Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Tâm khúc Một Chạp


                                                                                                  Lý Viễn Giao

Gió phả mưa phun lạnh xám trời
Hiên ngoài tí tách giọt rơi rơi
Hương trà gọi nhớ về xưa cũ
ấm lạnh ngày đông ấm lạnh đời !

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

                                                  Lê Đình Công

1.Chẳng lẽ mèo quáng gà
   không nhìn ra
   lũ chuột

 2.Gà sống mới gáy vang
    chắc xuân sang
    trời đẹp

3.Người “nud” có kẻ phê
   chẳng ai chê
   gà “nud’

4.Em đẹp quá
   anh lại già
   gà sống thiến

5.Gà chưa gáy sang xuân
   haiku đã hân hoan
   đầy lộc
 

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Cu Ba - Phải đến và cảm nhận



                                                                                  Nguyễn Ngọc Long

Người viết bài này cũng đã được sang Cuba tới 4 lần từ năm 2006 đến nay; cũng đã được làm việc với lãnh đạo Bộ Kinh tế Cuba; Bộ Nội vụ Cuba và lãnh đạo công an một số tỉnh, thành. Rồi cũng đã gặp gỡ không ít cán bộ, công nhân Cuba, trong đó có không ít người đã từng sang giúp ta mở đường Hòa Lạc – Xuân Mai, xây dựng khách sạn Thắng Lợi, mở
đường Hồ Chí Minh… Và quả thật, tôi cũng xin phép được nhắc lại câu của Đại sứ Lê Quảng Ba nếu như nói về Cuba: “Bao giờ ta có thể làm được như họ?!”.
Rõ ràng rằng, bấy lâu nay, cũng do Cuba xa chúng ta quá, hơn nữa, việc cung cấp thông tin còn rất hạn chế, cho nên thế giới và cả Việt Nam nữa – cũng không hiểu Cuba. Rất nhiều lời nhận xét về Cuba là xuất phát từ những kẻ trọc phú ở Việt Nam – đó là một số đại gia lắm tiền nhiều của và họ nhìn người dân Cuba bằng con mắt của kẻ lắm tiền. Nhưng họ không biết rằng, ở Cuba, có những điều mà ít nhất 2/3 dân số Việt Nam đang nằm mơ cũng không được như vậy.Tất cả trẻ em Cuba đều được giáo dục miễn phí ngay từ mẫu giáo lớn (5 tuổi) cho đến khi tốt nghiệp đại học hoặc học lên đến tiến sĩ. Trong suốt quá trình học này, học sinh không phải chi một xu cho tiền may đồng phục, tiền mua sắm sách vở, giấy bút và còn được nuôi ăn một bữa hoặc cả ngày (tùy theo từng trường).
Trẻ em Cuba từ khi đi học mẫu giáo đã được học 3 thứ. Đó là: âm nhạc, múa và bơi lội. Còn chữ nghĩa thì cũng có học nhưng chỉ là nhận biết mặt chữ mà thôi. Không có một trẻ em Cuba nào bị thất học, dù đó là ở nơi “thâm sơn cùng cốc”.
Tất cả người dân Cuba đều được khám, chữa bệnh miễn phí và được dùng những loại thuốc tốt nhất có thể. Vào những bệnh viện ở Cuba, không  làm gì có cảnh bệnh nhân “lóp ngóp” chui từ gầm giường ra chào hoặc ba bốn bệnh nhân chung nhau một giường  (như ở Việt Nam). Việc một ông ủy viên Trung ương nằm chung phòng điều trị với một ông  phó thường dân là chuyện bình thường. Tất cả người dân, trẻ em Cuba đều được uống sữa tươi miễn phí. Nếu là  trẻ em dưới 10 tuổi thì đều “như vắt chanh”, mỗi ngày được uống nửa lít sữa và nhà nào không có điều kiện ra cửa hàng lấy thì có người mang sữa đến tận  nhà. Rồi nữa, giáo dục của Cuba được xếp vào hàng tiên tiến nhất thế giới,  ngang với Đan Mạch. Y tế Cuba thì đứng vào hàng đầu và họ đã chế ra  được vắc-xin phòng chống bệnh ung thư và nhiều loại thuốc đặc biệt  khác. Thể thao Cuba thì cũng đứng vào hàng thứ 14, 15 gì đó trên thế  giới (trong khi Việt Nam ta chưa được xếp vào thứ bậc nào trên thế giới, hoặc nếu có thì cũng hàng… đội sổ).Còn về trật tự xã hội thì quả thực đó là một thiên đường cho sự ngăn  nắp, nề nếp, văn minh và sự tôn trọng các quy tắc trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.Đúng là người dân Cuba còn thiếu thốn bởi cái lệnh cấm vận cực kỳ dã  man của Mỹ. Nhưng trong phạm vi có thể, Chính phủ Cuba đã l cho trẻ em và người già hết mức. Đấy chính là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.Trong một lần, tôi về tỉnh Holguín – quê hương của Chủ tịch Fidel Castro. Vào tối Chủ nhật, tôi ra quảng trường ở thành phố chơi và thực sự kinh ngạc khi thấy có đến cả hơn 100 thanh thiếu niên mang các loại  nhạc cụ ra hòa tấu – chủ yếu là bộ hơi (các loại kèn). Hóa ra ở thành phố này có một ông nhạc trưởng.Mỗi tháng một lần, ông lại phát cho những thanh thiếu niên biết chơi nhạc một bản nhạc. Học sinh mang về tập và cứ đến tối Chủ nhật thì lại ra quảng trường tập hòa tấu. Một khung cảnh thanh bình, văn minh hiếm có mà dĩ nhiên, chưa từng thấy ở Việt Nam.Đi trên đường phố thủ đô La Habana hoặc đến bất cứ cửa hàng nào, không  làm gì có cảnh người dân chen lấn, xô đẩy mua hàng hóa hoặc chen lấn lên xe buýt. Một cháu bé đang đi tung tăng trên vỉa hè, nếu vui chân chạy xuống đường thì lập tức tất cả các phương tiện giao thông đang đi trên đường dừng lại, người lái xe sẽ xuống xe dắt cháu trên vỉa hè rồi  mới đi tiếp.Những điều đó – chắc chắn rằng những người vốn nhìn Cuba hay Triều Tiên bằng con mắt “trọc phú” sẽ không bao giờ nhìn thấy bởi họ quen đến những nơi có tiền là có tất cả. Nhưng họ lại không nghĩ rằng, có những điều trong cuộc sống con người ta mà có tiền cũng chẳng thể mua được: Đó là sự hạnh phúc, bình an.
Cuba không phải là họ không biết và không có khát vọng làm giàu. Nhưng  họ không làm giàu bằng mọi cách như ở Việt Nam ta. Họ không làm giàu  bằng kiểu tàn phá môi trường; không làm giàu bằng các trò làm ăn chộp giật, lừa đảo, bất chấp luật pháp. Đúng là xã hội của họ còn nhiều thiếu thốn, cách quản lý, xây dựng phát triển kinh tế của họ cũng còn nhiều điều phải bàn, phải cải tổ nhưng rõ ràng họ đã chăm lo tốt hơn ta rất nhiều cho đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em và người già.Mà nhân đây cũng phải nói thêm rằng, bình quân thu nhập theo đầu người của Cuba còn gấp 3 lần người Việt Nam (khoảng 3.000USD/người/năm).Chỉ có điều là Cuba đã dành 54% tổng thu nhập quốc gia cho giáo dục và y tế.
Một trong những thành tựu lớn của Cuba.Tờ Independent của Anh thống kê về y tế Cuba vào năm 2006 như sau:
     - Tuổi thọ bình quân: nam 75,11; nữ: 79,85 (Mỹ tương ứng là 75; 80,8).
     - Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh: 6,22 ca tử vong trên 1.000 trẻ em (Mỹ là 6,43).
     - Tỷ lệ nhiễm HIV: dưới 0,1 phần trăm (Mỹ: 0,6 phần trăm).
     - Số bác sĩ trên 1000 dân: 5,91 (Mỹ: 2,56).
     - Số giường bệnh trên 10.000 dân: 49 (Mỹ: 33).
     - 25.000 bác sĩ Cuba đang làm nhiệm vụ nhân đạo tại 68 quốc gia.
     - Năm 2006, 1.800 bác sĩ từ 47 nước đang phát triển đã tốt nghiệp từ  21 trường y tế của Cuba
     - Mỗi năm có hơn 5.000 "khách du lịch sức khỏe" đi du lịch tới Cuba, tạo ra hơn 40 triệu USD cho nền kinh tế Cuba.
     - Thường xuyên cử các đoàn y tế (tổng cộng 135.000 người) tới các khu vực có thiên tai, dịch bệnh trên thế giới (đặc biệt tại các nước nghèo) để hỗ trợ. Từ 1960 đến nay Cuba này đã gửi hơn 135.000 nhân viên y tế đến nhiều nơi trên thế giới trong các  sứ mệnh nhân đạo.
     - Riêng để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Katrina, Fidel Castro gửi sang Mỹ 1.586 bác sĩ.
     - Đặc biệt, ngày 1/7/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức xác  nhận Cuba trở thành quốc gia đầu tiên đã thành công trong việc ngăn chặn virus HIV truyền từ mẹ sang con. Theo Giám đốc WHO Margaret Chan, thành công của Cuba là một trong những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế toàn cầu, là chiến thắng y học rất vĩ đại của nhân loại trong cuộc chiến lâu dài với HIV/AIDS. Một trong những yếu tố quan  trọng là nhờ vào hệ thống chăm sóc y tế quốc gia toàn diện tập trung vào sức khỏe sản phụ. Tại Cuba có đến 99% bà mẹ mang thai và 100% các  bé sơ sinh từ mẹ bị HIV đều được điều trị thuốc ngăn chặn phơi nhiễm HIV và các loại thuốc này miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân, theo hướng  dẫn của bác sĩ.
                                                                                                    (nguồn Wikipedia)




 


Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Giấu


                                                                                                           Bùi thị Sơn
Ai giấu nõn nường trong yếm thắm
nơi dập dềnh từng ngọn sóng hoan ca
Tí tách xuân buông loà xòa tứ lạ
nụ em căng nứt nở bung hoa...
Ai nỡ trách chàng gió xuân lơi lả
luồn yếm thơm giục giã những vần xa
Phút giao thừa đất trời còn nghiêng ngả
Em hồn nhiên, kiêu hãnh hoá đàn bà!


Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Mùa Đông





MÙA ĐÔNG

Khi niềm tin thành mây khói 
Tôi đi như bóng vật vờ
Khi không còn gì để nói
Tôi về lặng lẽ câu thơ
Có chi phía trước đang chờ
Mặt trời nhập nhoà trên đó
Dòng sông nỗi buồn màu đỏ
Mây đen về phía cuối trời
Mịt mù bóng chiếc xa xôi
Con chim chiều tàn gãy cánh
Mùa đông mưa vùi gió lạnh
Nắng trời ngoảnh mặt quay lưng
Câu thơ dừng lại lưng chừng
Lưng chừng tiếng cười câu hát
Lưng chừng mùa đông lạnh ngắt
Lưng chừng tóc hãy còn xanh
Nỗi niềm xám xịt hao hanh
Mùa đông màu mây xoã tóc
Giọt lệ đọng màu khó nhọc
Rơi vào thăm thẳm mùa đông ...
LHT

MÙA ĐÔNG 
(chuyển thể lục bát)
Niềm tin thành khói thành mây
Tôi đi như bóng như thây vật vờ
Còn chi mà nói mà chờ
Về thôi lặng lẽ câu thơ nhói lòng
Lạnh lùng cay đắng mùa đông
Nhập nhoà trên đó vừng hồng còn đâu
Dòng sông xanh hoá đỏ nâu
Mây đen phía trước phía sau cuối trời
Mịt mù bóng chiếc xa xôi
Bóng chim gãy cánh chiều rơi mảnh chiều
Mưa tuôn gió dập tiêu điều
Nắng trời ngoảnh mặt, ráng chiều quay lưng
Lời thơ dừng lại lưng chừng
Tiếng cười câu hát bỗng ngừng chơi vơi 
Mùa đông lạnh lẽo xám trời
Lưng chừng mái tóc nửa vời còn xanh
Nỗi niềm xám xịt hao hanh 
Áng mây xoã tóc dỗ dành cô đơn
Quay đi giấu giọt lệ hờn
Rơi vào thăm thẳm nỗi buồn mùa đông...
LHT