Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Đạo tặc




 
          Cũng đã lâu rồi , có một họa sĩ trẻ, không có tiếng tăm, sống trong  căn phòng chật hẹp, cũ kỹ, chuyên đi vẽ chân dung cho người khác kiếm sống qua ngày. Một hôm, có  nhà phú hộ, thấy những bức tranh của chàng họa sĩ trẻ rất sống động, nên đến nhờ chàng vẽ cho một bức chân dung. Đôi bên đồng ý với giá là mười nghìn đồng.
 Sau một tuần lễ, bức tranh đã hoàn thành, nhà phú hộ đến đúng hẹn để lấy tranh. Đến lúc đó, ông nhà giầu đó sanh lòng phản phúc, vì thấy chàng họa sĩ vừa trẻ, vừa nghèo vừa chả tiếng tăm gì, nên đã không chịu trả đúng số tiền đã thỏa thuận từ trước.
Vì Ông ta nghĩ rằng bức tranh là chân dung của mình, nếu ta không mua, thì chả có ai bỏ tiền ra mua cả! Vậy thì tại sao ta lại phải trả đến giá cao như thế cho bức tranh này? Nghĩ thế ông ta bèn trở mặt không chịu trả đúng  như đã giao hẹn nữa, mà chỉ chịu trả ba nghìn đồng thôi.
Chàng hoạ sĩ trẻ choáng váng, vì chưa gặp chuyện như thế bao giờ, nên đã kiên nhẫn, cố gắng giải bầy cặn kẽ cho ông khách đó rằng, đây là đã giao hẹn rồi, xin ông hãy nên làm người giữ chữ tín. Ông khách thấy thế, biết là mình đã chiếm thượng phong, bèn dứt khoát : “Thôi anh đừng dài dòng lôi thôi, tôi hỏi anh ba nghìn đồng có chịu hay không” ?
          Chàng hoạ sĩ nghe thế, biết là cha này chơi xỏ lá, tay trên, bèn cố nén cơn giận, trả lời người khách với giọng kiên quyết: “Không bán , tôi thà thí công vẽ, chứ nhất định không chịu để ông làm nhục tôi như thế! Hôm nay ông nuốt lời, bất tín với tôi, thì tương lai chắc chắn ông phải trả giá gấp hai mươi lần” !
     -  Cái gì , anh nói giỡn chơi ư ?  Hai mươi lần là hai trăm nghìn đồng ? tôi đâu có ngu mà trả đến như thế để mua bức tranh này!
     -  Rồi ông sẽ biết!  Chàng họa sĩ nói theo khi người khách bỏ đi .
          Trải qua câu chuyện đau lòng như thế, chàng họa sĩ đã dọn đi đến  nơi khác  tầm sư học nghề, khổ công luyện tập.
          Trời không phụ lòng người, mười mấy năm sau, chàng đã dành được một chỗ đứng khá quan trọng trong giới hội họa, trở nên họa sỉ khá nổi tiếng. Còn nhà phú hộ? Ngay ngày hôm sau thì ông ta đã quên mất câu chuyện chơi xỏ thằng họa sĩ trẻ đáng thương đó rồi.
          Cho đến một ngày có mấy người bạn thân đã đến kễ cho ông ta nghe một câu chuyện lạ
     -  Này ông! có một câu chuyện lạ ghê! Mấy ngày nay, chúng tôi có đi xem triển lãm tranh của một họa sĩ nổi tiếng , ở đó có treo bức tranh đề giá chắc nịch "Không thương lượng : Hai trăm nghìn  đồng mà trong tranh là  nhân vật trông y hệt như ông . Buồn cười nữa , tiêu đề bức tranh lại viết : BANDITO ( Đạo tặc ).
          Như bị trời giáng, ông nhà giầu nhớ ngay đến câu chuyện năm xưa . Lúc đấy, ông mới biết là việc mình làm ngày trước đã tổn thương người họa sĩ trẻ đến mức nào. Ngay tối hôm đó, ông ta đã tìm đến chàng họa sĩ, thành thật xin lỗi, và ngỏ lời xin mua lại bức tranh đó với giá hai trăm nghìn đồng .

Chàng họa sĩ trẻ đó tên là: Pablo Ruiz Picasso.(1881---1973) Không ai có thể đánh bại và làm nhục ta ngoại trừ chính ta ! Đó là tâm niệm của Ổng .







Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Hướng tới khúc Haiku hay

                                                                Lý Viễn Giao                                                



       Câu lạc bộ thơ haiku Hà nội sinh sau đẻ muộn trong làng thơ Việt . Đến nay nó vẫn được coi là đang lớn . Tuy vậy cái cơ thể non trẻ này tiềm tàng một sức sống đáng nể từ chính những tế bào nội sinh của nó . Cùng với những bàn tay chìa ra nâng đỡ , chắc chắn nó sẽ có những bước đi dài vững chắc để hình thành một sức vóc vạm vỡ , xứng tầm mong đợi . Để có những khúc thơ như ý , các haijin đã chắt ra từ những tài liệu nghiên cứu được viết , được dịch công phu đó đây trên các nội san cũng như sách báo trong nước và nước ngoài . Những bài thơ dịch từ đủ mọi thứ tiếng cũng là nguồn tham bác quan trọng . Đặc biệt bằng những chiêm nghiệm qua cuộc sống , cảm hứng thơ và kho kiến thức kết đọng trong những cái đầu minh mẫn mà những khúc Haiku được đẻ ra . Đến nay số lượng bài thơ đã không thể đếm xuể . Số lượng tập thơ đã phải dùng đến hai chữ số mà ghi . Ấn phẩm chung cũng đã có đến sáu nội san và hai tập thơ dầy dặn rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức .
           Những khúc Haiku được viết đã ngày càng ra dáng một bài thơ hoàn chỉnh được chấp nhận trong đó có nhiều bài hay . Không phải đã hết những băn khoăn về tiêu chí của một bài thơ Haiku và bài thơ hay . Ai đó cho rằng hãy cứ viết đi , viết nhiều rồi sẽ thành thơ Haiku và sẽ hay . Nói vậy liệu có phải là logic ngược không ? Phải định hình cho một khúc thơ Haiku đã chứ . và phải khảng định thế nào là hay đã chứ ! Có thể vào lúc nào đó và ở đâu đó chúng ta đã ít nhiều chạm mặt với những nội dung này rồi . Nhưng nay đứng trước thềm cuộc tọa đàm về thơ Haiku lần thứ hai sắp diễn ra tại Hà Nội xin trao đổi thêm đôi lời may ra sáng tỏ được điều gì bổ ích chăng .
          Một khúc Haiku phải bao gồm ba thành phần có lẽ đã là đương nhiên . Điều này không phải ta tự bịa mà được rút ra từ trong chính những bài thơ Haiku Nhật từ xưa tới nay mà chúng ta được đọc . Gần đây nhất , khi đến dự cuộc tọa đàm thơ Haiku lần thứ nhất cũng tại Hà Nội , chủ tịch hiệp hội Haiku thế giới WHA , ông Ban’ya Na suishi , trong bài phát biểu của mình đã nhận xét khúc thơ của Lý Viễn Giao :
                                               Trăng lạnh
                                               Nghĩa trang
                                               Đồng đội xếp hàng
Là chỉ có hai hình ảnh ! ( Do dịch thuật mà dẫn tới điều này chứ thực ra ở đây là ba hình ảnh rất rõ ! ) . Ta lấy ra từ nhận xét này để khảng định chắc chắn rằng khúc Haiku phải hội đủ ba hình ảnh . Ba thành phần trong khúc thơ gọi tên như thế nào là đúng nhất ?
          Nếu bảo ba dòng sẽ là vô lý . Dòng chưa nói lên điều gì rõ ràng về cấu trúc từ vựng cũng như nội dung . Nó mới chỉ là nhiều chữ viết liền nhau đặt trên một hàng ngang . Vì vậy dẫu có ba dòng chữ nhưng các dòng này chưa có ý , chưa gợi , chưa liên kết để tạo một ý tưởng tổng thể cũng chưa coi là thơ Haiku được . Bài thơ Con ếch , một khúc Haiku được coi là mẫu mực trong nền thơ cổ điển Nhật Bản của Basho có thể viết trên ba dòng :
                                               古池や  ( Furuikeya )                                                                                                                 
                                               蛙飛び込む  ( Kawazu tobikomu )                                                                                                                                                                            
                                               水の音  ( Mizu no oto)      
Hay viết liền một dòng : 古池や蛙飛込む水の音  ( furuike ya mizu no oto tobikomu kawazu) đều được vì bản thân nó đã chứa ba ngắt ý rất rõ ràng : Cái ao cổ / Con ếch nhẩy vào / Nước xao động .
          Còn ba câu ư ? Điều này cũng không cần thiết bởi đã là câu sẽ phải hội đủ các thành phần chủ ngữ , vị ngữ … của cấu trúc câu . Trong thực tế , một khúc Haiku không cần đến thế :                                        Mê nón úp vại cà
                                               Mồ hôi tóc mẹ ta
                                               Thâm dấu .           ( Lê Đình Công )
Đó ! Ý thứ nhất coi là một câu đi nhưng hai ý sau chỉ là hai hình ảnh . Đâu cần đến ba câu mới làm nên khúc Haiku . Ta bắt gặp rất nhiều bài thơ mà cả ba ý đều chưa phải là câu . Nhưng đó đây ta cũng gặp một khúc thơ có ba câu thật :
                                               Cá xuống nước
                                               Mây về trời
                                              Ta thả ta vào chân không         ( Thiện Niệm )
Vậy nếu nói ba thành phần trong khúc Haiku là ba câu thật không chính xác . 
          Vậy ba ý hay ba hình ảnh ? Điều này tế nhị hơn hai tên gọi nói trên . Hình ảnh thường là một ý rồi nhưng ý đâu có nhất thiết là hình ảnh . Bài thơ này của tác giả Lương Thị Đậm :
                                              Dây điện bắc qua
                                              Đôi chim ríu rít
                                              Tình ca .
ý thứ ba không phải là hình ảnh ! Còn bài thơ sau của Vũ Tam Huề :
                                              Gió từ đâu lại
                                              Mang hương cỏ dại
                                              Đường cày mùa xuân
Lại chỉ có một hình ảnh ở ý thứ ba thôi . Vậy nên cho rằng ba thành phần của khúc Haiku là ba hình ảnh cũng không chính xác . Suy ngẫm qua nhiều bài thơ , thấy rằng nếu gọi đó là ba ý là đúng hơn cả . Ba ý này không phụ thuộc nhau trong một thể cấu trúc nào ; mỗi ý đều trọn vẹn đủ sức tự mình mang ý nghĩa nên thường được nhấn mạnh bằng tên gọi là Ngắt ý !
          Làm thơ hay đọc thơ , ai cũng muốn hướng đến bài thơ hay . Vẻ hay dở thực ra cũng nhiều chiều bàn luận . Nó phụ thuộc vào cảm quan , tâm trạng , độ trải nghiệm và tầm nhìn , cách nhìn của người viết , người thẩm . Nhưng không phải không có tiêu chí chung về bài thơ hay để dùng làm thước đo cho thơ . Thơ hay trước hết phải hướng con người , cuộc sống đến chân tiện mỹ . Phải mang tính nhân văn cao . Phải có nghệ thuật sử dụng ngôn từ , ý tưởng một cách khéo léo để đi vào lòng người theo con đường ngắn nhất và trụ lại một cách bền vững nhất .
          Với thơ Haiku , do những đặc thù riêng của nó , khúc thơ hay còn cần thêm một số yếu tố mà haijin và độc giả không nên bỏ qua . Trước hết bài thơ phải có cấu trúc của thơ Haiku với ba ngắt ý rõ ràng . Ba ngắt ý này như ba chân của bếp kiềng hay ba Ông vua bếp trong bộ bếp đất cổ để tạo nên một dụng cụ hữu ích hoàn chỉnh . Nói một cách thơ hơn , ba ngắt ý phải ướp hương cho nhau , nghĩa là thấm vào nhau cùng tạo nên ý tưởng chung của toàn bài thơ . Với thể loại thơ cực ngắn này , việc tránh dùng hư từ là điều tối cần thiết . Sử dụng tính từ , trạng từ một cách vừa phài và hợp lý cũng góp phần làm cho hình ảnh bóng bẩy , long lanh hơn . Vần và nhịp điệu trong thơ không có quy định nào bắt buộc nhưng nếu sử dụng khéo léo cũng làm cho các ngắt ý liên kết với nhau mềm mại tạo không khí cho câu thơ bước vào tiềm thức người đọc , người nghe một cách ý nhị . Tính thiền và vô sai biệt không nhất thiết tồn tại trong thơ Haiku hiện đại , nhất là thơ do người Việt chúng ta viết hôm nay . Nhưng nếu trong một bài thơ có phảng phất ít nhiều điều này âu cũng coi là một thứ gia vị phụ thêm cho một món ăn ngon khi ta thưởng thức .
          Xin mời cùng dạo gót qua vườn hoa Haiku Hà Nội ngắt đôi ba đóa một cách vô tình để coi thử độ mỏng dày của hương sắc mà ngẫm về những gì đã sinh kết dưới bàn tay người gieo trồng .
Viết về mùa xuân , tác giả Nguyễn Thị Kim đã khéo đan cài ba hình ảnh tượng trưng với ba ngắt ý Hoa , Bướm và Người trên một bức tranh thêu đầy sức sống :
                                               Dã quỳ ngõ quê
                                               Rập rờn cánh bướm
                                               Vàng lối em về .
Và cảnh đêm Hồ Tây thơ mộng cũng được haijin  Đinh Nhật Hạnh  dùng khúc Haiku gõ vào hồn thơ người đọc để vang lên ngân nga , lãng mạn :
                                              Sương khuya Hồ Tây
                                              Sâm cầm vụt cánh
                                              Trăng lay .
Nỗi nhớ đồng quê , nhớ mùa màng rơm rạ của người mẹ chân tre còn da diết nào hơn như trong khúc thơ này :
                                              Ra phố ở với con
                                              Nhớ đồng mùa gặt hái
                                              Mẹ nhìn theo người bán chổi rơm    ( Vương Trọng )
 Còn gì nữa đâu khi mà người phụ nữ không có bạn đời bên cạnh để mà kề vai nghe hơi thở ấm áp , nghe tiếng thầm thào của hai con tim sẻ chia , để nương tựa  :
                                              Vắng anh
                                              Trăng lu
                                              Mảnh đêm vỡ nát   ( Nguyễn Hoàng Lâm )      
Con người ta khi đã trưởng thành , mỗi khi nhìn về quá vãng , hình ảnh mẹ vẫn là trước nhất và đậm nhất : 
                                              Tiếng võng đưa
                                              Ngày xưa
                                              Tay mẹ   ( Nguyễn Duy Quý )  
Khúc thơ sau chỉ vỏn vẹn với bẩy âm tiết nằm gọn trong ba ngắt ý mà làm lòng người xao xuyến với nỗi chia xa của lứa đôi :
                                              Ngày em đi
                                              Nâng ly
                                              Uống sóng      ( Lý Viễn Giao )
Nói về chủ quyền biển đảo mà chẳng gào thét , chẳng lên gân hô khẩu hiệu . Chỉ bằng những ngắt ý rành mạch chứa đựng hình ảnh không cầu kỳ mà rất đỗi thôi thúc :
                                              Đảo chìm
                                              Lồng ngực anh
                                              Sóng vỗ .
Nhiều người cho rằng thơ Haiku mang tính triết lý cao . Nó dắt tư duy đi theo mạch ngầm để chiếm lĩnh chốn sâu thẳm của nỗi người , nỗi đời . Nhưng nó cũng rất tế nhị , không răn dậy , không rao giảng . đọc những phiến khúc này ta có thấy gì không ?
                                              Lấp lóa trời cao
                                              Có những ngôi sao
                                              Thực ra đã tắt                   ( Lê Đình Công )
                                                          *
                                              Bay cao mười ngàn mét
                                              Càng gần mặt trời
                                              Càng lạnh                          ( Lê Văn Truyền )
                                                          *
                                              Đau khổ hãy về đây
                                              Ta sẽ trả thù
                                              Bằng nụ cười độ lượng      ( Lê Vũ )
          Mới chừng ấy tuổi đầu mà câu lạc bộ Thơ Haiku Hà Nội đã gieo hạt để gặt hái được nhiều mùa hoa rực rỡ . Những bông hoa vừa ngắt để ngắm trên đây chỉ là ngẫu nhiên trong ngàn bông hoa đẹp . Chúng ta có đủ độ tin cậy cho những vườn hoa , mùa hoa rạng rỡ hơn đang nằm phía trước .
                         
                                                                                            
         
                             

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Chuyện xưa kể lại



          Giặc phương Bắc rần rật kéo vào kinh thành Thăng Long. Quan và dân rủ nhau chạy loạn. Năm hôm trước khi mới nghe tin giặc còn cách kinh thành hai trăm dặm Hoàng Thượng và hoàng thân quốc thích đã lặng lẽ rời đến một nơi ẩn nấp an toàn.
Trần Tiết, gã bán thịt lợn. Nghe tin giặc sắp tràn tới, vợ gã giục gã:
-         Chàng muốn chết hay sao mà còn mổ lợn để bán, có lo soạn sửa mà chạy đi không?
Trần Tiết cười:
-         Hiền thê hãy đem các con về bên quê nội Phú Thọ đi, hy vọng với sự phù hộ của các Vua
-         Hùng nàng và các con sẽ bình an. Riêng ta, ta không đi đâu cả.
Khuyên nhủ mãi, chồng vẫn khăng khăng không chịu đi, vợ Tiết lắc đầu ngao ngán cùng con cái gạt lệ phân ly. Chiều đó, hai mươi vạn quân phương Bắc chiếm cứ kinh thành. Bấy giờ kinh thành chẳng khác gì ngôi mộ hoang lớn, không một bóng người, ngay cả gà chó cũng không có nửa con. Trần Tiết gánh thịt lợn dạo qua dạo lại trước cổng kinh thành rao:
-         Ai thịt lợn đây, ba mươi đồng một ký.
Tên tướng giặc ra lệnh cho quân lính gọi gã bán thịt lợn vào. Trần Tiết nghênh ngang đi giữa hàng vạn quân lính giặc, mặt không chút run sợ, vào đến nơi nhìn thấy tướng giặc đang ngồi chệm chễ trên ghế, Tiết hỏi:
     -  Ngài định mua thịt tôi chăng? Thịt tôi chỉ bán cho người dân Đại Việt, còn với người phương Bắc tôi không bán. Tướng giặc trố mắt nhìn Tiết bật cười:
     -   A ha tên này khá. Ba mươi năm ta tung hoành nam bắc, trải qua trăm ngàn trận đánh, san bằng hàng ngàn thành trì, đi đến đâu kẻ nào hễ nghe tên ta là sợ vỡ mật, đứng trước ta kẻ nào cũng phải uốn gối khom lưng, chỉ duy nhất nhà ngươi dám ăn nói xấc xược như thế.
Trần Tiết cười ha hả:
-         Ngài không phải phụ mẫu tôi, không phải đức vua của Đại Việt vì cớ gì tôi phải khom lưng
trước ngài? Ngài đem quân dày xéo non sông bờ cõi Đại Việt tôi hận không thể lột da uống máu của ngài hà cớ gì tôi phải sợ ngài?
Tướng giặc nghe những lời đó, bất giác mắt long sòng sọc, da mặt giần giật, đập mạnh tay xuống bàn, thét lớn:
     -    Hảo hảo, có chút chí khí. Ta rất thích những tên ngang tàng không sợ chết như ngươi. Rồi hắn dịu giọng. Nếu ngươi muốn có thể đầu quân cho ta, ta đảm bảo sẽ cho ngươi một chức vị xứng đáng trong quân của ta. Trần Tiết trợn trừng hai mắt nhìn thẳng vào mặt tướng giặc hỏi lớn:
     -   Thưa ngài, kẻ nhận giặc làm cha có đáng băm vằm chăng?
Tướng giặc đanh giọng:
-         Giết.
Trần Tiết tiếp:
-         Kẻ luồn trôn liếm gót ngoại bang, quay mặt với sự sống còn của dân tộc, hưởng vinh hoaphú quý trên xương máu đồng bào có đáng cho muôn ngựa phanh thây không?
Tướng giặc thét:
-         Chém.
Trần Tiết tiếp:
-         Bất cứ kẻ nào vì lợi ích bản thân mà phản bội dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang đều không xứng làm con người, đáng bị muôn dân nguyền rủa, trời không dung đất không tha. Thế thì tại sao ngài lại xúi tôi sa vào con đường tội lỗi ấy?
Tướng giặc lông mày dựng ngược cười khoái trá:
-         Thú vị, thú vị ha ha, không ngờ đất nước man di mọi rợ này còn có món sản vật lạ kỳ như nhà ngươi. Ta cứ tưởng bọn người Phương Nam tên nào tên nấy lá gan chỉ bé tý tẹo bằng cái móng tay của ta .
Trần Tiết lớn giọng bảo:
-         Xin ngài cho tôi mượn một thanh trủy thủ có được chăng?
Tướng giặc rút thanh trủy thủ bên hông trao cho Trần Tiết nói:
-         Đây là thanh trủy thủ trí bảo hoàng thượng ban tặng cho ta, chém sắt như chém bùn.
Trần Tiết đưa một tay cầm lấy, rút ra, ánh sáng từ ngọn trủy thủ làm Tiết lóa mắt, Tiết chậc lưỡi:
-         Đồ tốt, đồ tốt.
Tiết thở dài một cái, nhìn lên chính điện, nơi đặt ngai vàng của vua, bất giác sa lệ. Tiết nói trong mơ màng:
     -   Các ngài chỉ biết một mà không biết hai, người dân Đại Việt chúng tôi lá gan không hề nhỏ mà còn lớn hơn gấp nhiều lần lá gan người phương Bắc các ngài, chỉ có điều vua quan tham sống sợ chết, làm cho ý chí người dân cũng theo đó mà tiêu tán. Than ôi, quan thế ấy, vua thế ấy, non sông gấm vóc này còn chi, còn chi. Dứt lời Tiết quay trủy thủ đâm thẳng vào bụng. Tướng giặc a lên một tiếng, đánh rơi tách trà vừa cầm lên tay. Thanh trủy thủ sắc lẹm, khứa một đường trên bụng Tiết.
Tiết đưa tay còn lại thọc vào bụng moi từng phần nội tạng ra ngoài, thều thào nói:
     -  Đấy ngài thấy chưa, ruột chúng tôi cũng có khác gì của các ngài đều là con người cả thôi…Móc đến lá gan Tiết đã sắp tàn hơi, gượng thốt lên:
     -   Lá gan người Đại Việt là thế này đây thưa ngài…ngài hãy nhìn cho kỹ và nhớ lấy…Một ngàn năm bị các ngài đô hộ, dân tộc này vẫn quật cường đứng dậy đạp lên đầu các ngài…Bây giờ các ngài chiếm được Đại Việt nhưng rồi chúng tôi sẽ dành lại…
Dứt lời Tiết gục xuống.
Tướng giặc vào sinh ra tử bao phen chưa lần nào run sợ nhưng hôm nay trước cảnh tình ấy, chả rét mà run. Hắn quỳ xuống vái xác Trần Tiết mà rằng:
-         Ta lạy ngươi không phải vì ta sợ ngươi mà ta đau tiếc cho một tuấn kiệt không gặp thời. Nếu người phương nam ai cũng như ngươi thì chúng ta làm sao lấy được Đại Việt một cách đơn giản thế này.
… Bên ngoài thành Thăng Long, sáng hôm sau mọc lên một ngôi mộ, trên bia ghi hàng chữ “ Kỳ Nhân Đại Việt”. Trần Tiết đã được tên tướng giặc lệnh cho người chôn cất tử tế. Hơn mười năm sau giặc phương Bắc một lần nữa bị đuổi ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Thời gian trôi rêu mờ sương phủ nấm mộ của Trần Tiết chìm vào quên lãng….