Ngôn ngữ nói chung và chữ tôi nói riêng, khi bước vào tác phẩm văn
học cũng có số phận thăng trầm liên quan mật thiết đến những thăng trầm của
lịch sử nước nhà. Tìm hiểu chữ tôi trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam
là một đề tài khá lý thú. Ở bài viết này, tôi chỉ đi sâu khảo sát chữ tôi được
thiên tài Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm Truyện Kiều.
Người Việt chúng ta từ xưa đến nay thường sử dụng chữ tôi với ba
nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất: Tôi là đại từ nhân xưng, thường dùng khi xưng
hô với những người đồng trang lứa hoặc với mọi người. Khi xưng tôi với những
người mà tuổi tác, địa vị cao hơn hoặc thấp hơn thì sắc thái biểu cảm của chữ
tôi thay đổi tùy theo từng đối tượng, hoàn cảnh. Nghĩa thứ hai: Tôi là danh từ.
Nghĩa này được dùng để chỉ quan hệ vua - tôi (bầy tôi của vua), quan hệ chủ -
tớ (tôi tớ, tôi đòi…). Nghĩa thứ ba: Tôi là động từ (tôi luyện, tôi sắt, tôi
vôi…). Cũng là đại từ nhân xưng nhưng chữ tôi có khác chữ ta. Ta thường được
dùng khi người trên nói với kẻ dưới, mình nói với mình. Cũng có trường hợp ta
được dùng để xưng hô với người mình yêu mến (mình - ta).
Theo Hoài Thanh: “Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể: lớn
thì quốc gia, nhỏ thì gia đình” (Thi nhân Việt Nam)). Vì thế, trong văn học
Trung đại, chữ ta xuất hiện khá phổ biến và Truyện Kiều cũng không là ngoại lệ.
Mật độ xuất hiện của chữ ta trong Truyện Kiều khá dày đặc chẳng thua kém gì chữ
hoa, chữ xuân, chữ mây, chữ tình, chữ nghĩa… Cõi người cũng được Đại thi hào
Nguyễn Du gọi là “cõi người ta”. Từ Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư đến
bọn “buôn thịt, bán người” như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh đều có ít nhất một
lần xưng ta. Ta hãy nghe Sở Khanh huyênh hoang với nàng Kiều: Ta đây nào phải
ai đâu mà rằng!/Nàng đà biết đến ta chăng/ Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!
Hắn còn bốc phét: Rằng ta có ngựa truy phong/ Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện
nhi… Còn Hoạn Thư thì đay nghiến: Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho/ Lo gì
việc ấy mà lo/ Kiến trong miệng chén có bò đi đâu… Ngay cả nàng Kiều khi độc thoại
nội tâm với bóng hình Kim Trọng cũng có lần xưng ta: Vì ta khăng khít cho người
dở dang. Trong văn học Trung đại chữ tôi được dùng với nghĩa danh từ: bầy tôi,
tôi tớ, tôi đòi… không hiếm, nhưng chữ tôi dùng với nghĩa đại từ nhân xưng thì
vô cùng hiếm hoi. Tác phẩm Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ dài ngót nghét 538 câu
mà không hề có lấy một chữ tôi nào. Trước khi bắt tay viết bài này, tôi cũng đã
cẩn thận rà soát lại Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên, thơ Cao
Bá Quát, thơ Nguyễn Công Trứ… thì chỉ bắt gặp rải rác một vài chữ tôi với nghĩa
danh từ, còn chữ tôi với nghĩa đại từ nhân xưng hầu như vắng bóng. Điều đó cũng
không có gì khó hiểu. Thời phong kiến, bao nhiêu quan lại muốn tâu trình, muốn
bày tỏ lòng mình với vua, chúa với những đấng minh quân đều phải xưng là bầy
tôi. Đó là cái thời biết bao người phải đi ở đợ, phải đi làm thuê, làm mướn,
phải sống kiếp lầm than thì trong văn chương xuất hiện nhiều chữ tôi đòi, tôi
tớ là chuyện bình thường. Đó là thời mà: “cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm
đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả” (Hoài Thanh,
sách đã dẫn). Vì vậy, trong các tác phẩm văn học Trung đại khó lòng tìm thấy
chữ tôi theo nghĩa đại từ nhân xưng cũng là điều tất yếu. Chữ tôi với nghĩa đại
từ nhân xưng chỉ “sinh sôi, nảy nở” trong các trào lưu văn học thời 30-45 (khi
mà luồng gió từ phương Tây thổi ào ạt vào nước ta). Hoài Thanh hình dung: “Ngày
thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó
thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa
từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân” (sách đã dẫn). Cái “ngày thứ nhất” đó,
theo tôi là ngày trên thi đàn Việt Nam xuất hiện hai ngôi sao chói sáng: Nguyễn
Du và Hồ Xuân Hương. Trong mấy chục bài thơ tương truyền là của Hồ Xuân Hương,
tôi đã may mắn tìm thấy một chữ tôi. Đấy là chữ tôi trong bài Ốc nhồi: Bác mẹ
sinh ra phận ốc nhồi/ Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi/ Quân tử có thương thì bóc
yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.... Ý thức cá nhân ở Hồ Xuân Hương còn bộc
lộ khá mạnh mẽ trong các bài thơ: Mời trầu, Tự tình, Quả mít, Hang Cắc Cớ, Đèo
Ba Dội… Còn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi đã thống kê được cả thảy 25
chữ tôi - một con số khá ấn tượng! Trong số 25 chữ tôi đó chỉ có 3 lần nhà thơ
dùng với nghĩa danh từ. Một lần chữ tôi được Nguyễn Du dùng khá độc đáo: vừa là
danh từ vừa là đại từ. Tất cả các trường hợp còn lại nhà thơ đều dùng với nghĩa
đại từ nhân xưng. Có đến 6 nhân vật từng xưng tôi trong Truyện Kiều. Đó là:
Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, con hầu của Hoạn Thư và hồn ma Đạm
Tiên. Con hầu của Hoạn Thư nói với Kiều về việc Hoạn Thư nghe lén cuộc chuyện
trò giữa Thúc Sinh và nàng Kiều ở Quan Âm các: Ngăn tôi đứng lại một bên/ Chán
tai rồi mới bước lên trên lầu. Còn hồn ma Đạm Tiên nói với Kiều khi nàng đang
“thiêm thiếp giấc vàng” trên chiếc bè của Vãi Giác Duyên: Rằng tôi đã có lòng
chờ/ Mất công mười mấy năm thừa ở đây. Cho hồn ma Đạm Tiên và con hầu của Hoạn
Thư xưng là điều khác thường trong văn học viết thời đại Nguyễn Du. Tuy nhiên,
việc xưng tôi của hai nhân vật trên với sắc thái biểu cảm bình thường, trung
tính, không có gì đáng bàn. Riêng cách xưng tôi của Thúc Sinh, Hoạn Thư, Kim
Trọng và đặc biệt là Thúy Kiều đều ít nhiều thể hiện bản lĩnh và ý thức cá nhân
của các nhân vật ấy.
Bây giờ ta thử điểm qua cách xưng tôi của ba nhân vật: Thúc Sinh, Hoạn Thư và
Kim Trọng.
Chàng Thúc xưng tôi với viên quan xử vụ Thúc Ông kiện nàng Kiều:
Tại tôi hứng lấy một tay,
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi.
Người đời chỉ thấy cái tính nhát gan của Thúc Sinh nhưng đã mấy ai đứng trước
công đường dám nhận tội thay cho bị can như chàng? Cách xưng tôi với viên quan
xử kiện, chứng tỏ chàng Thúc cũng chẳng phải tay vừa!
Vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư còn ghê gớm hơn. Bị giải ra trước vành móng ngựa, mặc
dù đã “hồn lạc phách xiêu”, Hoạn Thư vẫn đủ khôn ngoan để ‘lựa lời kêu ca”:
Rằng: tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Hoạn Thư xưng tôi với Thúy Kiều - người đang ngồi uy nghi trên ghế chánh án..
Đúng là “đàn bà dễ có mấy tay” như Hoạn Thư.
Chàng Kim Trọng, khi nghe Vương Ông kể lại việc Kiều phải bán mình chuộc cha đã
vô cùng ân hận:
Rằng: Tôi trót quá chân ra,
Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
Và chàng quyết tâm tìm bằng được người yêu:
Bao nhiêu của mấy ngày đàng,
Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi!
Cách nói của chàng cũng phần nào thể hiện ý thức trách nhiệm của một đấng nam
nhi trước số phận bất hạnh của Thúy Kiều.
Trong các nhân vật xưng tôi thì cái cách xưng tôi của nhân vật Thúy Kiều là
đáng bàn hơn cả.
Chữ tôi xuất hiện lần thứ nhất trong Truyện Kiều nằm ở câu 704 (lúc nàng Kiều
ngồi dưới ngọn đèn khuya, thổn thức nghĩ đến chàng Kim):
Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi.
Vì ta khăng khít, cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Trời Liêu non nước bao xa.
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.
Câu Vì ta khăng khít, cho người dở dang là Kiều nói với chính mình, còn câu:
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi là nàng đang nói với bóng hình Kim Trọng. Nếu
Truyện Kiều được viết trước bài thơ Ốc nhồi thì chữ tôi này có thể là chữ tôi
theo nghĩa đại từ nhân xưng xuất hiện lần đầu tiên trên thi đàn Việt Nam. Mặc
dù mới xuất hiện nhưng nó không hề “bỡ ngỡ” chút nào, bởi Nguyễn Du đã đưa nó
vào tác phẩm văn chương một cách hết sức tự nhiên, như lời ăn tiếng nói thường
ngày. Với việc lựa chọn xưng tôi, nàng Kiều đã trở thành nàng Kiều của Nguyễn
Du, nàng Kiều của Việt Nam chứ không còn là nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân
bên Trung Quốc nữa. Nhà thơ đã để cho Thúy Kiều ý thức một cách sâu sắc về
trách nhiệm cá nhân của mình đối với người yêu.
Khi Kiều sập bẫy, mụ Tú Bà đã đánh Kiều đến mức “uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu
sa”, nàng phải đau đớn xin mụ từ bỏ “chút lòng trinh bạch” của mình:
Rằng: Tôi chút phận đàn bà,
Nước non lìa cửa, lìa nhà, đến đây.
Bây giờ sống chết ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi!
Nhưng tôi có sá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!
Việc Kiều xưng tôi với mụ Tú Bà là hết sức bất ngờ. Xét về tuổi tác, địa vị mụ
Tú là kẻ bề trên. Thông thường vào hoàn cảnh của Kiều, nàng phải xưng “con” mới
đúng (như trong Kim Vân Kiều truyện). Với việc xứng tôi, Kiều đã đặt mình ngang
hàng với mụ. Mặc dù nàng đang quằn quại bởi trận đòn hết sức tàn nhẫn nhưng
trong cách xưng tôi, chứng tỏ nàng không hề che giấu thái độ coi thường đối với
mụ. Đó là cái tôi đầy bản lĩnh của Kiều.
Kiều xưng tôi với Thúc Sinh, khi chàng Thúc cố thuyết phục nàng làm vợ lẽ:
Bấy lâu khăng khít dải đồng,
Thêm người người cũng chia lòng riêng tây.
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
Trăm điều ngang ngửa vì tôi,
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
Bình thường, khi chuyện trò với Thúc Sinh, Kiều vẫn xưng thiếp: Đành thân phận
thiếp ngại danh giá chàng…nhưng sao trong trường hợp này nàng lại xưng tôi?
Phải chăng lúc này, tuy đang nói với Thúc Sinh nhưng Kiều lại nghĩ nhiều đến
Hoạn Thư. Nàng sợ mình phá mất cái tổ ấm của người đàn bà đầy quyền lực ấy?
Cách xưng hô tôi một lần nữa thể hiện ý thức cá nhân của Kiều trong việc tôn
trọng hạnh phúc của người khác.
Còn đây là lời Thúy Kiều thuyết phục Thúc Sinh trở lại quê nhà thú thật với
Hoạn Thư để tránh hậu họa về sau:
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi.
Câu: Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau mà
cách nào nghe cũng hợp tình, hợp lý. Nếu “ lớn” là bà chủ (Hoạn Thư) thì phận
tôi đòi đành thủ phận tôi đòi (Kiều). Nếu “lớn” là vợ cả (Hoạn Thư) thì tôi
(Kiều) là vợ bé đành thủ phận vợ bé. Nếu xem chữ tôi đứng trước là đại từ nhân
xưng, chữ tôi đứng sau là danh từ thì câu này còn có nghĩa: Hoạn Thư là vợ cả,
tôi (Kiều) đành thủ phận làm kiếp tôi đòi. Thế mới biết cách chơi chữ “đồng âm,
dị nghĩa” của Nguyễn Du tài tình đến mức nào!
Chỉ xét riêng về việc sử dụng chữ tôi theo nghĩa đại từ nhân xưng
với tần số xuất hiện ấn tượng như thế, với ý thức cá nhân mạnh mẽ như thế, với
cách chơi chữ biến hóa như thế (trong khi chữ tôi hầu như vắng bóng trong văn
học Trung đại nước nhà), Truyện Kiều có thể được xem là một “ngoại lệ”. Và
Nguyễn Du đúng là một “bậc kỳ tài”, một Đại thi hào đi trước thời đại.
Mai Văn Hoan