Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Mùa Hoa ban Tây Bắc

Mùa hoa ban Tây Bắc với chàng lãng tử Trần Hòa Bình

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN - 15-03-2016 02:49:25 PM
Sau những đợt gió lạnh cuối cùng, nơi dốc đứng của những đoạn đường cheo leo hiểm trở hoặc ở tận tít tắp những hẻm núi xa mờ, những cánh ban rừng - đặc sản của riêng Tây Bắc bắt đầu lặng lẽ thi nhau nở… Mùa ban năm nay, tôi lại vác máy quay lên rừng lên bản để thực hiện nốt bộ phim tài liệu “Đi tìm hoa ban”. Chỉ có điều, tôi đi lần này đã không còn người bạn “lãng tử”- nhà báo, nhà thơ Trần Hoà Bình…     
 
Trần Hòa Bình ở Phù Yên - Sơn La
Mùa hoa ban năm ngoái, do điều kiện thời gian, chúng tôi mới chỉ đi tới Mộc Châu, Thụân Châu, và quanh thị xã Sơn la. Chúng tôi dự định mùa xuân năm nay sẽ cùng đi vào tận Sông Mã, Quỳnh Nhai,v.v, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống của đồng bào Thái, Mông, Dao, Khmú, Sinhmun… Đã có dấu hiệu của gió Lào, cùng với sương mù, khói đốt nương, không gian trở nên mờ ảo, đôi lúc nhạt nhoà, tựa nước mắt lau vội của người con gái trong truyền thuyết hoa ban khi lang thang qua rừng sâu núi thẳm mà không tìm được người yêu… Những kỷ niệm về bạn ào ạt cuốn về như lũ ống… Hoá ra, Trần Hoà Bình cũng mắc “cơn nghiện” miền núi như tôi, thậm chí còn nặng hơn. Mỗi lần lên Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, anh lại có thêm những người bạn mới - ở các trường đại học, trung học dạy nghề, phổ thông, cán bộ trẻ ở địa phương… - những người đã hâm mộ anh qua các chuyên mục Tầm Thư, Tiến sĩ giấy, và trân trọng nghe anh nói chuyện, đọc thơ. Tại Sơn La, chúng tôi thường ôn lại kỷ niệm về những người bạn sư phạm dạy văn đã từng sống nơi đây - trong đó có Châu Hồng Thuỷ, Văn Giá, Nguyễn Phượng, v.v. Có lần, anh lên Sơn La thuê nhà trọ cả tuần để ngồi hoàn chỉnh một cuốn sách “com-măng” của một nhà xuất bản. “Tôi mê rừng núi…Chúng giúp tôi có cảm hứng- không phải để làm thơ, mà để vượt qua những trang bản thảo cần nộp đúng hợp đồng…” Anh đã lý giải thế. Song, những lần lang thang cùng Bình trên đất Phù Yên, Bắc Yên, chợ tình Khau Vai, cùng nhiều địa điểm của Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình, Cao bằng…- để tham dự một lễ hội nào đó, để lấy tư liệu viết báo, hoặc chỉ để xả hơi, để đỡ “cơn nghiền” nhớ miền núi, trong những lần ấy, tôi đã nhận biết được bao dự định, bao sự ấp ủ cho văn học của anh! Giữa những cuộc vui, nếu để ý, thường thấy một vài khoảng lặng kín đáo ở anh - phải chăng đó là những ý thơ vụt hiện, những trải nghiệm đang tìm từ ngữ thích hợp? Trần Hoà Bình - con người của công chúng, thường xuyên “bơi” trong công chúng lại thường tạo một con đường đi ngược lại đám đông để tìm về với chính mình, đặng làm một cái gì đó thực đích đáng cho văn chương - và việc hay tìm đến miền núi Tây Bắc của anh chính là một biểu hiện cụ thể…      
 
Trần Hòa Bình  với gia đình nhà thơ Vương Trung tại Thuận châu- Sơn La
Quả vậy, bao năm nay, Bình đã là một “lãng tử” say đắm cần cù góp nhặt cái Đẹp cùng lý do tồn tại của chúng, để dành dụm cho Thơ. Và, thời gian lãng du của anh dành cho vùng núi- đặc biệt vùng núi Tây Bắc là đáng kể nhất. Anh ngẩn ngơ trước một cánh hoa mắc-cọoc ngược sáng trong vườn nhà thơ Vương Trung, hay trước một vệt ban rừng ngập nắng sớm dọc đường miền Tây. Bình mê mải trước một phiên chợ lộng lẫy sắc màu vùng cao, hoặc bên một chiếc túi thổ cẩm đơn sơ quà tặng của bạn… Anh rất thích bài bài dân ca Xá Tây Bắc và đòi tôi chép lại cho anh làm tư liệu: Cây trong rừng cây nào đắng nhất/ Rễ trong rừng rễ nào cằn nhất/ Cũng không đắng bằng cuộc đời người Xá/ Cũng không cằn bằng cuộc đời người Xá làm tôi đòi… Người vẫn mô phỏng dân ca Mông và đọc một cách say sưa cho bè bạn nghe: “Lời anh sẽ về bên gối  lạnh/ Bao dịu dàng cay đắng đêm nay…” cũng là người “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ /Ai trong đời chẳng có một Khau Vai”, và có nỗi “luyến tiếc” đủ sức mê hoặc nhiều người chưa hề đặt chân tới Tây Bắc: “Sao luyến tiếc một nơi chưa hề đến/ Này Lai Châu mưa ướt hết thơ rồi…”. Trong ngày Hội hoa Anh đào tại Hà Nội cách đây vài năm, Bình đã khiến tôi ngạc nhiên, không phải chỉ vì sự phẫn nộ hiếm hoi của anh. Anh căng thẳng nói: “Chỉ với hai cây Anh đào thật mà người ta làm nên cả một lễ hội, còn biết bao rừng hoa Ban tuyệt đẹp trên Tây Bắc thì đang bị đốt, bị chặt phá, và chẳng mấy ai thấy có trách nhiệm phải bảo tồn chúng…”. Tôi đã yêu cầu anh nói lại điều bức xúc ấy trước ống kính máy quay, bên những cành hoa Anh đào xa lạ và ào ạt đám đông “xẻ thịt” chúng…      
Mùa xuân này, tôi đã không có Trần Hoà Bình đi bên cạnh để cùng nhau xuýt xoa trước một cành ban chơi vơi bên vực thẳm, hay cùng lặng người trước những lời “khắp” Thái da diết ân tình bên mâm cơm hiếu khách của đồng bào: “à…ới…ì…Rượu này là rượu tình rượu nghĩa, không phải rượu phản rượu thù… Bữa ăn dù chỉ có củ mài măng đắng, hãy coi như cơm trắng cá thịt…Dù có ăn hay không cũng đừng nên oán trách…”- “Xuân về, hoa ban lại nở, bản làng xinh tươi, xin kể lại câu chuyện đau lòng…” (dịch từ tiếng Thái). Miền rừng núi Tây Bắc từ nay mãi mãi vắng bóng chàng nhà báo - thi sĩ “lãng tử”… Nhưng trong cánh hoa ban trắng muốt có vệt tím bầm ở giữa - thứ hoa kỳ lạ tượng trưng cho Tình yêu đôi lứa và cũng là món ăn đỡ đói lòng ngày giáp hạt cũng đã kịp lưu giữ một giọt lệ vui sướng của anh - một tâm hồn nặng nghĩa tình với Tây Bắc, để truyền thuyết về nó giàu thêm xúc cảm, và có thêm một đôi cánh thơ nhỏ đưa con người ta đến cõi mộng, cõi đẹp - nơi chỉ có tình người chân thật…
_______________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét