Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Đêm bánh tôm Hồ Tây



ĐÊM BÁNH TÔM HỒ TÂY
                                                                                           Lê Quang Vinh

Bài thơ thuộc loại hay nhất viết về Hồ Tây và sản vật, có lẽ cả từ xa xưa nữa.
Câu mở đầu "Nghiêng phía anh Tây Hồ tóc gió", ngỡ bình thường (như câu nói thường), mà lại rất "thơ" ("phía anh", "tóc gió": hữu hạn và vô hạn hòa quyện nhau), khiến ý thơ bay bổng, lãng mạn lên vô cùng. Cả cái chữ "nghiêng" ni nữa, thật vô lý. "Nghiêng" sao được chứ? Thế mà, khi nó "nằm" ở đầu câu thơ (này) thì lại rất "có lý" (đúng) như trong tục ngữ "Tát biển Đông cũng cạn" ấy! Chú ý: "nghiêng" và "tát" đứng đầu câu, như điểm đầu của "cánh tay đòn bẩy" với "lực đè phi thường" được dồn về đây, đối trọng là "vật bẩy" - cái vô biên phía bên kia điểm tựa (Hồ Tây, biển Đông).Trong văn chương, hiểu nôm na đây là cách "tu từ" dân gian (lối viết truyền thống, bình dân - nhưng phải cao tay mới được: "thậm xưng").
Tiếp đến, "Bánh tôm thơm da thịt Thủ Đô" - dùng các từ "thông tục" (bánh tôm, da thịt) rồi cho chữ "thơm" vào nối giữa hai từ này như "chất xúc tác", tạo nên một phản ứng "hóa học" thực sự về ngữ nghĩa, khiến nó mặc sức biến hóa (thoát xác) mà (từ bình thường) trở nên "cao sang" trong câu thơ. Đây là điều cần thiết, vì nơi đây là đất "kinh kỳ" xa xưa, nay là Thủ đô của cả nước, phải có sự thăng hoa "cao cấp" như vậy mới xứng, khi viết về một món ăn không thể "bình dân" hơn của mọi thời Hà Nội (đạn bom, bao cấp, hòa bình, đổi mới... tiến lên "CNXH"): "Bánh tôm thơm da thịt Thủ Đô".
Tôi vô cùng phục cái cách dùng từ "da thịt" ở đây. Nhờ "chế biến" quá khéo của Ngô Minh, nó trở nên siêu phàm rồi, chứ đâu là "da thịt" (nhục dục nguyên thủy) nữa? Ấy là tài chọn tứ, lựa chữ của Thi sĩ tài danh.
Ngày nay, tiếng thơm bánh tôm Hồ Tây - Hà Nội được lan tỏa và bay xa tới tít tắp khắp ba miền đất nước, tới "năm châu bốn biển" địa cầu; một phần không nhỏ có sự đóng góp vô tư của các nghệ sĩ - thi văn sĩ tài danh đã sáng tạo nên những khúc hát, vần thơ, áng văn da diết, tỉ mỉ về món ẩm thực vốn "hạ đẳng" của người ven đô này để dần dà thành "món ngon Hà Nội" - dấu ấn trong tâm hồn, là "di sản" của mỗi con người khi có dịp vãng qua đây ("Bánh tôm em- di sản đời mình")...
Những nhà thơ, nhà văn tên tuổi; khi sáng tạo nghệ thuật, họ không "bó mình", "khổ luyện", tìm "trăm phương ngàn kế" để làm nên những điều ta thấy rất "cầu kỳ" như vừa nêu trong Comment của Nhà báo LQV ở phía trên. Văn thi - nhạc sĩ...làm thơ văn, làm nhạc...như "chơi"! Ở đó là sự thăng hoa kỳ diệu (của sự kết hợp) giữa cảm xúc và kỹ năng nghệ thuật. Như vậy, kỹ năng nghệ thuật đã trở thành phẩm chất trong lý trí, tình cảm của các nhà sáng tạo rồi. Họ sáng tạo mà như..."vô thức" trước các thủ pháp nghệ thuật mà vẫn rất..."Nghệ thuật" là vậy. Thi sĩ Ngô Mình thuộc VNS loại này.
Nhiều thứ nữa, hẹn anh Ngô Minh và bạn đọc, LQV sẽ thưa sau...; giờ dành thời gian cho mọi người thưởng thức bài thơ đã .


ĐÊM BÁNH TÔM HỒ TÂY
                                          
                                              NGÔ MINH

nghiêng phía anh Tây Hồ tóc gió
bánh tôm thơm da thịt Thủ Đô
liễu rũ như mời sóng vồ vập gọi
chớm thu rồi thèm nụ thơm xưa
đêm sâm cầm sao trời vỗ cánh
em rót ly nếp cẩm Đất Trời
nhấm với ánh nhìn nụ em diệu vợi
ơI đèn đường tắt đỏ ngất ngây
bánh tôm đêm lòng hồ khép mở
gió thao thao như gọi như tìm
mai anh Huế rồi thèm rồi nhớ
bánh tôm em- di sản đời mình
            
                                       Huế 8-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét