Ngôi nhà cũ
người bỏ đi
nhện dăng tơ khung cửa
The old deserted house
we left from without a word
the spriders still silently spread the
coburb
Lê
Văn Truyền
Trong cuộc đời, có khi vì một lý do nào đó ta
phải rời bỏ ngôi nhà cũ, ngôi nhà đã chứng kiến những ngày ta lớn lên và gắn bó
với bao kỷ niệm vui buồn, để đến một nơi ở mới. Ta có thể mang theo những của cải
quý giá, những vật dụng cần thiết nhưng không ai có thể mang theo được những kỷ
niệm thân thương gắn liền với nơi ta đã lớn lên và đã sống. Ta có thể mang theo
con mèo, con chó … những vật nuôi gắn bó với cuộc sống của ta nhưng không ai
mang theo được tiếng thạch sùng tắc lưỡi đêm đêm trên trần nhà, tiếng dế rả
rích dưới chân tường, tiếng những con mọt nghiến kẽo kẹt trong vách gỗ, và cả
tiếng ễnh ương da diết gọi tình ngoài vườn trong những cơn mưa đêm hè … Và ta
vô tâm bỏ lại những con nhện nhỏ bé, xấu xí vẫn lặng lẽ cần mẫn dệt tơ trên
khung cửa sổ để bắt con ruồi, con muỗi mà nhiều khi những mạng nhện này đã làm
ta rất bực mình khi dọn dẹp nhà cửa.
Rồi cho đến một ngày ta trở lại ngôi nhà lạnh
lẽo, và lòng bỗng ấm lên khi thấy trong ngôi nhà trống rỗng, bất kể sáng tối,
ngày đêm dù có ta hay không có ta ở đó, những con nhện nhỏ bé, xấu xí ấy vẫn
chung thủy, kiên nhẫn, âm thầm dệt tơ trên khung cửa. Có phải ai ai trong tất cả
trong chúng ta cũng đều có thể làm được toàn những việc thật lớn lao trong suốt
cuộc đời? Chúng ta chỉ sống một cuộc đời thật hữu hạn với năng lực thật hữu hạn.
Nhưng xin đừng phiền muộn. Nếu ta để tâm đến những sinh vật như những chú côn
trùng, bất cần về sự nhỏ bé, mong manh và hữu hạn của chúng trên mặt đất, vẫn
vô tư và cần mẫn làm công việc của mình, sống trọn vẹn cuộc sống của mình, ta bỗng
ngộ ra rằng chỉ cần làm được những việc nhỏ bé để thấy mình đang được sống,
đang tồn tại cũng đã là niềm hạnh phúc lớn lao mà Trời Đất ban cho ta rồi.
T.
T.
Chiếc quạt mo cau
âu yếm
tấm thân tôi già cỗi
làn
gió tuổi ấu thơ
The areca spathe fan
caressing my exhausted body
with the childhood wind
Lê Văn Truyền
Cách nay mấy chục năm, đặc biệt trong thời chiến tranh,
nhiều vùng quê miền Trung nắng như đổ lửa và người ta chỉ được hưởng làn gió
mát lành từ những cánh đồng lúa, từ mảnh vườn xôn xao cây lá và từ tấm quạt mo.
Những cây cau trong vườn cho ta những buồng cau, lễ vật thiêng liêng của những
ngày giỗ, ngày Tết, và buồng cau cùng với lá trầu – lễ vật thiêng liêng của
tình yêu và hôn nhân. Hoa cau rụng trắng bên thềm trong những đêm trăng sáng
cho ta làn hương nhẹ nhàng, thanh tao. Trong những ngày đói kém, đôi khi buồng
hoa cau non được luộc lên thay rau xanh, ăn vào người thấy ngọt ngọt, lâng lâng
như có men say.
Thân cây cau già chết khô được xẻ làm đôi,
khoét ruột để làm ống máng hứng nước mưa từ mái tranh vào những lu, chum đựng
nước đầu chái nhà, cho ta những gáo nước mát lành giải cơn khát giữa trưa hè oi
bức. Và tầu lá cau già, thỉnh thoảng đột ngột rụng trong đêm vắng, tạo nên một
tiếng vang như nhắc nhở sự hiện diện của quy luật tự nhiên lá già phải rụng xuống
nhường chỗ cho lá non đâm chồi. Sáng hôm sau, bà tôi lượm tầu lá cau, chặt lấy
chiếc mo, cắt thành một tấm quạt, đem phơi ngoài sân nắng sau khi chặn bằng mấy
hòn gạch cho tấm mo khỏi cong. Từ tay bà, chiếc quạt mo đã cho tôi làn gió mát
thoang thoảng hương cau trong những buổi trưa hè đổ lửa, những đêm tháng năm,
tháng sáu oi bức, ngột ngạt và những lúc làn da tôi hừng hực, vầng trán hâm hấp
mồ hôi vì những cơn sốt mà bà tôi thường gọi là sốt “vỡ da” của tuổi ấu thơ.
Một buổi trưa hè năm nay, trong một làng nhỏ
miền Trung, tôi thấy chiếc quạt mo lặng lẽ nằm trên chiếc chõng tre ngoài hiên
nhà. Cầm chiếc quạt mo phe phẩy, một làn gió tuổi thơ bỗng ôm ấp tấm thân già cỗi
của tôi và tim tôi bỗng trào dâng một cảm xúc trẻ trung, thân quen khó nói nên
lời.
T.
T.
Núm vung nồi đất cổ
núm vú mẹ ngàn đời
trẻ mân mê mỗi tối
The teat of clay pot cover
vietnamese mum nipples
babies finger every night
Lê Văn Truyền
Thăm lò gốm trong một
làng cổ miền Trung, ở đó người ta vẫn làm những vật dụng bằng đất nung: ba ông
Táo để xếp thành cái bếp, chum vại đựng nước, bộ ấm chén uống trà… Nhưng nhiều
nhất vẫn là những chiếc nồi đất đủ cỡ để nấu cơm, để kho cá… Nồi phải đi liền với
vung, “nồi nào vung ấy”, “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo” như một lẽ
công bằng và lẽ tương hợp tự nhiên của Trời Đất. Nồi phải luôn luôn có vung, và
vung phải luôn luôn có núm. Núm của những cái vung nồi đất phải chăng là hình
tượng chiếc núm vú của người phụ nữ Việt Nam. Có những núm vung nhỏ nhắn như những
núm vú chõm cau của các thiếu nữ tuổi dậy thì. Có những núm vung đầy đặn, phồn
thực như của những bầu sữa những bà mẹ trẻ đầy sức sống. Và có những núm vung
méo mó, teo tóp như của bầu sữa những bà mẹ nghèo đã rút hết ruột gan, máu thịt
của mình chắt ra những giọt sữa nuôi cả bầy con khôn lớn để hiến dâng cho Đất
Nước.
Trong “thời đại công
nghiệp” hiện nay, thời đại của sắt thép, tại sao những người thợ gốm Việt Nam
không sáng tạo ra một “cơ cấu” đặc biệt nào đó cho cái vung để thuận tiện khi sử
dụng chúng mà từ hàng ngàn năm cho đến giờ, vẫn nặn một cái núm cho chiếc vung
đất??? Chắc hẳn khi nặn những chiếc núm vung, người thợ gốm vẫn nhớ đến chiếc
núm vú của mẹ mà tuổi ấu thơ được mân mê mỗi tối. Phải chăng là để mỗi khi sờ
vào cái núm vung ta phải luôn nhớ ơn đôi núm vú và bầu sữa của những bà mẹ, dù
giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, đã nuôi ta khôn lớn thành người.
T. T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét