Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

          Hôm nay Hà nội mưa tầm tã . Mặc dù vậy nhiều thành viên cùa Bích Câu thi quán vẫn đội mưa về sinh hoạt . Người nhiều tuổi nhất lại là người đến sớm nhất . Chỉ vắng có nhà thư pháp Vũ Thị Phim bị ngã gẫy chân đang bó bột và ba thành viên khác về quê có việc riêng . Các nhà thơ Đông Tùng , Hạnh Nguyên Bùi Nguyệt từ xa gửi về nhiều bài thơ hay giao lưu . Riêng Đại đức – Nhà thơ Đông Tùng  gửi tới ba bài . Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn là bạn của thi xã mang về nhiều câu chuyện lý  thú và đọc hai bài thơ của mình .
          Thi quán trao đổi và chuyển ngày sinh hoạt hằng tháng vào sáng thứ bẩy cuối cùng của mỗi tháng . Cũng vì vậy rất mong quý hội viên từ xa gửi bài sao cho kịp ngày sinh hoạt . Hội viên ở Hà nội lưu tâm để tham dự các buổi sinh hoạt đều đặn . Chúng tôi lần lượt đăng lên Blogs nội bộ những bài thơ tham gia giao lưu trong tháng  để hội viên và bạn bè cùng thưởng thức và góp ý . Chúc mọi người sống hạnh phúc !
 
Mưa tháng 7

Mưa tháng bảy hạt dài nghe trong vắt
Cành liễu buồn rủ dáng giữa chiều tà
Cổ cầm rót từng giọt sầu theo gió
Trăng đủ tròn cho hạ bớt phôi pha?

Mưa tháng bảy phù dung phai chóng vánh
Hương của mùa ai cất giữ ngày qua
Tiếng chuông điểm sao ngân dài đến thế
Lạnh hồn thơ cát bụi với phong ba!

Ký ức

Ký ức còn chăng
Mùa nào vụn vỡ
Bên ngàn nỗi nhớ
Để lòng bâng khuâng

Ký ức về bên
Khi hồn thơ thức
Mộng nào rất thực
Tình nào mong manh

Ký ức đầy vơi
Bên trời trăng tỏ
Lời nào chưa ngỏ
Hao mòn cuộc chơi
                  Đông Tùng

 



Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Màu nhung nhớ

http://k14.vcmedia.vn/thumb_w/600/NMt3bGAXSvcyU8qzccccccccccccc/Image/2012/12/mua-hoa-cai-vang-10-f6ab0.jpg



Đã bao mùa hoa cải
Giăng phấn khắp cánh đồng
Quyện nắng vàng rực rỡ
Vương ánh mắt chờ trông
 Xao xuyến chắp cánh thơ
Vắt lên làn mây trắng
Gió cõng tình trong nắng
Gửi niềm tin mong chờ
Dịu dàng hương đồng nội
Mênh mang những sắc vàng
Ôi! Lại một mùa sang
Ngập trời màu nhung nhớ.

                      
Bùi Nguyt
       Chemnitz, CHLB Đức
 

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Trường sa

http://petrotimes.vn/stores/news_dataimages/phuonganh/122012/09/08/trai_phep.jpg

Trường sa cùng với Hoàng sa.
Cha ông gìn giữ, của Ta rõ rồi
Ở đâu ngươi đến, cậy người!
Giở trò ăn trộm lại đòi phải cho.
Trâng trâng vẽ cái lưỡi bò!
Biển Đông đâu phải là hồ bỏ hoang.
Đẳng Giang xưa máu còn loang
USA cùng với Frang mới chuồn.

Lòng Ta quyết giữ Giang Sơn!
Đất này trời bảo vốn gan anh hùng
Vui cùng đoàn kết Tây Đông
Thử xem "chú khách" được chăng!.
                                        Giáp Phú

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Cháu học chữ ký ông cơ !

 http://static.kienthuc.net.vn:81/Images/Contents/baogiay/20130114/thumb_450_ong-chau-mau.jpg
                                                                       Truyện ngắn ngắn
           Tôi cũng là nhân viên văn phòng có thâm niên ở một cơ quan. Chúng tôi đã từng ngồi nát năm ghế mây, bảy ghế gỗ, ba ghế sắt thời bao cấp. Ghế mây, ghế gỗ ngồi đến nát ra nói các bạn còn có thể tin, ghế sắt mà nát được ư? Vâng, ghế sắt thì nát sao được. Nghe thế các bạn cho là tôi nói dóc! Tôi thề, không nói dóc tí tẹo nào. Ghế sắt còn mau nát hơn cả ghế gỗ. Thật đấy, dù nó không nát theo đúng nghĩa của từ “nát”, không tin các bạn tìm đến nhà bảo tàng ghế mà xem, có thấy ở đấy người ta “bảo tàng” được chiếc ghế sắt nào không? Ghế mây, ghế gỗ hỏng, khi phát ghế mới cho các phòng, ban thủ kho thu lại “vật chứng” để lưu kho, nhà bảo tàng ghế sưu tầm về trưng bầy có đủ. Còn ghế sắt khi hỏng, thủ kho thu về kho tích được nhiều nhiều đem bán thanh lý cho đồng nát cũng được món tiền tăng quỹ... bỏ túi. Đó là lý do ghế sắt không thể có mặt trong bảo tàng… ghế.
Xin lỗi, chuyện sau đây chẳng liên quan gì đến ghế, đến bàn, vui miệng tôi kể đại cho vui. Như đã nói ở trên: Tôi làm nghề văn phòng theo đúng nghĩa, không như các ông làm nghề văn phòng cấp thủ trưởng! Vì tôi chưa bao giờ được oai vệ ký vào bất cứ thứ giấy tờ gì như các ông, bà làm nghề văn phòng là thủ trưởng, ngoại trừ tháng hai lần ký sổ lĩnh lương. Vậy, tại sao văn phòng nơi tôi làm việc bị hỏng nhiều ghế đến thế ư? Tổn hao cho công quỹ quá? Có người sẽ nghĩ tôi là thằng ky bo, tiết kiệm ăn quà sáng, ngồi làm việc, đói… gậm ghế ra ăn? Kệ thiên hạ nghĩ hươu nghĩ vượn, nghĩ dơi nghĩ chuột gì thì nghĩ, bụng con người làm sao tiêu hoá nổi mây, gỗ, sắt mà sợ người ta nghĩ vớ vẩn, đổ oan cho mình?
Ngày xưa các cụ thấy con cháu mải miết làm việc gì đó cho là vô ích, liền mắng: “Từ nay mài (vật đó) ra cơm ra gạo mà ăn nhé!” Vậy mà cơ quan tôi có ông thủ trưởng mài được cái thứ vô ích ra để ăn đấy. Không những ra cơm ra gạo, ông ta còn mài nó thành đất, thành nhà, thành vàng thành đô la, thành nhiều tài sản quý là khác.
Hồi còn là nhân viên văn phòng thường thường, chữ ký của ông ta cũng vào lại thường thường con lươn con chạch rưa rứa chữ ký của đám nhân viên quèn chúng tôi vậy cả. Khi được đề bạt ngồi vào ghế thủ trưởng, ông mải miết ngày đêm tập ký cho chữ ký thật đẹp, thật bay bướm. Vớ được vật gì ông tập ký lên vất ấy, từ tờ giấy trắng, tờ báo, mảnh giấy gói, mẩu giấy xi măng, bất cứ thứ gì có thể ký thành chữ là ông tập ký luôn tay. Vài tháng sau chữ ký ông ta rồng bay phượng múa tối mắt chúng tôi luôn. Nét khởi đầu vồng tớn rõ to, vào nét thứ hai đều đều một đoạn, đến nét cuối ông cho cong vút hình câu liêm, trông giống hình dây mai xo gánh hai đầu hai cái bếp điện, ưng ý rồi ông đem khoe, ý đe trước chúng tôi:
 - “Các cậu thấy chữ ký của tớ có đệ nhất tiên hạ không, vừa thoáng tiền vừa nở hậu... cứ gọi là bền trước vững sau mãi mãi".  
Thời ấy thủ trưởng ký bất cứ thứ giấy tờ gì, đơn giản chỉ vì trách nhiệm. Anh là thủ trưởng, nhiệm vụ của anh là ký vào những chứng từ, những bản hợp đồng đám nhân viên chúng tôi đã làm việc đi làm việc lại với đối tác B C D, khâu cuối cùng thủ trưởng chỉ ký là xong. Ký xong, hút vui với nhau điếu thuốc. Điếu thuốc Sông Cầu đã là sang, tất cả vì nhiệm vụ, anh người ký, tôi người thực hiện. Thời đại tiến triển, nâng bao thuốc Sông Cầu lên bao Vilataba. Tiến thêm tí nữa; đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 cao thành bao ba số 5 (555); cuối thập kỷ 90 là ... chiếc phong bì rồi giữ hủ tục phong bì dài dài sang thế kỷ 21. Cái phong bì ấy đầu tiên mang ý nghĩa tế nhị: Vui vẻ bữa ăn trưa. Dần dà tiến lên cho kịp thời đại tên lửa vượt Đại Dương, ngoài phong bì kèm thêm bữa tiệc ở nhà hàng hay khách sạn, quán Karaokê có thêm món vitaminE... tươi mát tráng miệng.    
Bây giờ thì… chữ ký của ông ra tiền, ra đất, ra cửa cao nhà rộng... ông mua bảo hiểm, ông đăng ký bản quyền cho cái chữ ký của ông mãi tận... tít trên “công ty” ô dù... bền vững lắm, đố thằng nào bẩy nổi chữ ký của ông đi. Mỗi khi cầm bút ký một chữ là đều có giá của nó. Ông chẳng ký không cho ai bao giờ. Thế mà gần đây, thằng cháu nội của ông nó dám hỗn láo... Một hôm, mặt buồn rười rượi đem cuốn học bạ đến nhờ ông ký dưới phần nhận xét của cô giáo chủ nhiệm để chứng minh việc gia đình đã xem lời ghi nhận xét của cô về việc học hành chểnh mảng, bỏ tiết, bỏ buổi học của nó. Vì sợ bố mẹ biết việc bỏ học nhiều ngày trong học kỳ, nó đến nhờ ông nội ký thay. Quen như mọi lần cầm bút ký ở cơ quan, ký cho thằng cu cháu xong, ông viết lên mảnh giấy con số 4, và tám con số 0 (không) kèm sau (40.000.000) đưa cho cháu và kèm nụ cười tươi như lúc ký duyệt ở cơ quan:
- Về bảo bố mẹ cháu đem trả ông bốn mươi triệu đấy nhé!
Thằng cháu tròn xoe mắt nhìn hau háu vào cái bút máy nắp vàng trong tay ông nội một lúc, rồi nó hỏi:
- Sao bố cháu phải trả ông nhiều tiền thế?
- Mỗi chữ ký của ông có giá trị như thế khi ông ký ở cơ quan đấy.
 Thằng cháu ngẫm nghĩ một lúc rồi hớn hở bảo ông:
- Ông ơi, thế thì cháu không đi học nữa đâu!
Đến lượt ông nội tròn xoe hai mắt nhìn lại nó:
- Sao thế?
Nó nhanh nhảu:
- Cháu chỉ học một chữ ký của ông nội thôi, ông dạy cháu ký thật đẹp vào… ông nhé!
                                                                     Hoàng Xuân Họa

                                                                                 

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Có một quán thơ như thế !




          Mê người đẹp và mê chuyện tình trong một huyền thoại mà mười tâm hồn thơ Hà thành tìm đến nơi cội nguồn câu chuyện để rồi chọn một cái tên phảng phất mầu xưa cũ của thời gian , óng ánh một cuộc tình nửa trần nửa tiên : Bích câu thi quán ! Thì đây , Bích Câu đạo quán chẳng đang lạc tọa chứng kiến dòng đời mải miết trôi trên đường Cát linh ? Và đây , một quán thơ với những người thơ cũng đang hòa vui với cuộc sống trăm bề ngang ngổn để chắt lọc nên những khúc lòng .
          Có người nghĩ cái tên “ Thi quán” nó tầm thường thế nào ấy . Nghe mà cứ hình dung ra một lều tranh xiêu vẹo nép bên đường mòn chênh vênh bán bát nước vối cùng mấy chiếc kẹo vừng của một bà già móm mém nhai trầu . Hoặc giả một tấm liếp che tạm giữa chợ chiều , mưa gió liêu xiêu cùng mấy mớ rau vàng héo . Ồ không ! Quán thơ này là nơi những thày thuốc , thày giáo , những người khéo tay hay mắt làm đẹp cho con người , cho con chữ , cho đời cùng góp mặt gieo thơ . Có can dự vào buổi thơ của Thi quán mới thấy tình người , tình thơ được nâng niu đến độ nào . Mới lý giải được những vần thơ cất cánh ra sao và mục sở thị con người đã vịn vào thơ , vịn vào nhau để sống vui như thế . Có rong ruổi trong những chuyến lữ hành lên với bạn thơ Kinh Bắc , sang cùng tri kỷ Xứ Đông hay ngẫu du ra miền thành ngoại mới hay vòng tay của Thi quán mở rộng cùng mênh mang tình người đến nhường nào . Gẫm hay , sao  có thể ví quán thơ này cùng quán chợ . Nó sánh với Đình quán , Hội quán , Đạo quán . Nó là Thi quán nơi đi về của những người thơ .




           Thử hỏi đã mấy nơi vịn thơ có được sự góp mặt góp lời xa rộng đến thế . Người gần , tháng tháng họp mặt . Người xa cũng đều đặn gửi lời theo cánh sóng không thiếu kỳ nào . Từ Cộng hòa liên bang Đức , Cộng hòa Czec ; Từ Lai châu , Sài gòn xa xôi đến Hải phòng , Bắc giang cách trở , bài vở thư từ qua lại đổi trao hằng ngày như vẫn mặt đối mặt nói cười . Có những lần hạnh ngộ . Có những cuộc tiếp đón mở ra tưng bừng , thân thiết không ai nghĩ rằng đó là lần đầu gặp gỡ . Có những lời hò hẹn xuyên lục địa , con người từ ảo mạng bước ra như giấc mơ . Chẳng biết tiếng lành đi bằng con đường nào mà bè bạn để mắt lui chân tới cứ như thể người nhà . Có những người vốn không phải của thơ mà đến cũng sinh tình làm thơ , đọc thơ , ngâm thơ . Nhiều cuộc gặp , người Bích Câu và bạn chẳng biết ai đông hơn . Cái sự già trẻ đan bện nhau mồn một từ màu tóc đến ý thơ , từ tuổi tác đến tâm tình , từ giọng điệu đến ý tưởng . Cứ đọc kỹ hai sản phẩm trí tuệ  là Bích Câu thơ 1 – Bích Câu thơ 2 của quán thơ tự mỗi người có thể nhận chân ra điều đó .



          Không đồ xộ , không lộng lẫy . Bích Câu thi quán giản dị , thanh  bình như một mái ấm che nắng mưa cho những tâm hồn thơ đồng cảm . Quán thơ đang khởi sắc với những gương mặt mới trẻ trung , những cây bút đa tài , đa tình . Tin rằng Thi quán sống mãi cùng một con phố , một Đạo quán , một tình sử huyền thoại lung linh trong lòng người

                                                                                Lý Viễn Giao