Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Nỗi niềm


                                  PV  Ninh Sơn                                 
   Lâm Thâm
Tìm trầm thăm ngả ba câu
Vườn xuân quan trắc sắc mầu quên hương
Ong bướm lầm đường///
   Lênh Lang
Năm mười chữ ‘nhẹ’ leo thang
Nhảy cầu, lướt ván; nhàn đàm, phiếm xưng
Ý tứ điệp trùng
   Mênh Mang
Vài mươi từ mỏng’ xếp hàng
Lửng lơ lục bát, ‘dùng dàng’ thất ngôn
Khép mở càn  khôn
                   Lơi Khơi
                    Chèo xoan, quan họ, lý lơi
                  Ghẹo then, ‘sli’ lượn, vè chòi, chầu văn
                  Nguồn cội Văn Lang
                    Sao sa  1
                        Hỏm hòm hom, ‘bét bè... ‘be!’  
                      “Tam thanh” “yết hậu” sáng lòe thi thư  
                     Xuôi ngược ngôn từ  //
                   Nho Nha  4
                        Hang buồn “Con cóc nhảy ra”
                          Ngồi nhìn non nước bao la... –‘quản gì!’
                         “Con cóc nhảy đi”
  May Thêu 1
Đối đăng niêm luật dăt nhau
Khởi thừa..luận kết, ‘mấy câu một vần’
Cửi canh  thi nhân
Canh Tân
‘Tám lời’ mở lối tự do
Vần chân lân bụng chéo dò ôm eo
Mới cũ lộn lèo 
Ca Ra
Hai-kư ~ khởi cú liên ca (­1)
               Tiêu phong; tĩnh tịch, thiền hòa, khinh an
Thăm thẳm, mênh mang


                                                          

                               

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Con bạch mã của Mùa A Sử

                                                     Trần Vân Hạc

Mùa A Sử nâng túm lông ngựa bạch trên tay, ông vuốt ve rồi đưa lên mũi hít hà. Từ đôi mắt già nua ngân ngấn đôi dòng lệ. Trong ký ức của ông bỗng hiện lên hình ảnh con ngựa bạch mà ông vô cùng yêu quý, nó phải vĩnh viễn xa ông vì việc nghĩa, biết vậy, nhưng ông vẫn thương nhớ khôn nguôi.
Khắp vùng biên giới phía bắc này ai cũng biết A Sử là người sành và quý ngựa. Ông đặc biệt có tài trong việc chọn và thuần ngựa. Con bạch mã của ông được coi là có một không hai và được ông vô cùng yêu quý. Chỉ có điều không ai biết tại sao ông lại đem tặng cho một người ở bên kia biên giới.
Đó là con ngựa Mùa A Sử ngẫu nhiên mua được ở chợ ngựa Bắc Hà – Lào Cai từ một tay buôn ngựa không chuyên. Hôm đó chỉ thoáng nhìn, ông đã biết đấy là con ngựa quý nhưng không được chăm sóc chu đáo. Tuy dáng vẻ gầy còm, lông bờm xơ xác, bẩn thỉu, nhưng cái dáng chân cao, mình thon, mũi khô, mắt sâu và sáng khiến A Sử vô cùng thích thú. Ông thầm reo lên khi thấy ở tai con ngựa có xoáy. Khi còn sống, cha của A sử đã dạy rằng: Phàm con ngựa nào có xoáy ở tai là rất thính, nghe được xa và biết có thú dữ mai phục. Sau này điều đó được kiểm chứng khiến ông thoát nạn và càng gắn bó với con bạch mã hơn. Ông cố nén nỗi vui mừng khi thấy ở gối con bạch mã có đủ bốn xoáy. Người sành ngưạ gọi đó là “tứ mục trung đồng” đặc biệt quý hiếm, con ngựa nào có đặc điểm này đích thị là thiên lý mã. Con bạch mã về với A Sử chỉ mấy tháng trời đã đổi khác hoàn toàn. Từ một hình hài còm nhom, yếu ớt nay thực sự là một tuấn mã. Bộ lông trắng muốt được xén tỉa chải chuốt óng mượt, khắp người cuồn cuộn cơ bắp. Người khắp vùng đều đồn đại về con ngựa quý. Nhiều người sành ngựa đã trả A Sử số tiền lớn mong có được con bạch mã nhưng chỉ nhận được nụ cười và cái lắc đầu dứt khoát của ông. A Sử đẩy mấy gốc củi chụm bếp, ánh lửa bập bùng nhảy nhót. Ông mỉm cười nhớ lại cái lần đi thăm người bạn ở bên kia biên giới. Đường núi cheo leo nhưng con bạch mã vẫn phi vững vàng như trên đất bằng. Qua khúc ngoặt bỗng con bạch mã khựng lại, cánh mũi phập phồng. A Sử chưa kịp gỡ khấu súng khoác trên vai thì một con báo gấm từ trên vách đá lao bổ xuống. Con bạch mã đảo ngưòi tung một cú đá hậu đánh văng con báo ra, đủ thời gian cho A Sử hạ con báo bằng một phát đạn chính xác. Khi cơn nguy hiểm đã qua, A Sử cứ ôm và vuốt ve mãi con bạch mã. Ông dụi đầu vào bộ lông mềm ấm và thốt lên:
- Đúng là linh vật, ta đã mang ơn mày rồi. Ta thề không bao giờ xa mày, bạch mã ơi!
Chừng như hiểu ý chủ, con bạch mã dậm chân vươn cổ hí vang. A Sử nhớ mãi, mùa đông năm ấy lạnh lắm, sương muối đóng thành lớp băng mỏng trên mái nhà lợp gỗ thông và những nơi đất xốp. Cây cối cháy đỏ cả lá, người già và trẻ con không xa được bếp lửa. Chính trong những ngày đó, A sử có khách và cuộc gặp gỡ này quyết định số phận của con bạch mã.Khách là một người đàn ông trung niên và là con trai duy nhất của người bạn kết nghĩa của A sử. Trong một lần đi săn trên núi xa, không may A Sử bị rắn độc cắn. Tuy đã nhanh tay hái một số lá cây theo kinh nghiệm của phường săn nhai nuốt và đắp bã vào vết thương, nhưng A sử vẫn bị choáng, ông chỉ kịp bắn một phát súng báo hiệu hú hoạ rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, A sử thấy một người đàn ông lạ cũng trạc tuổi ông đang mỉm cười rồi cất tiếng lơ lớ:
- Hảo lớ! May mà ngộ đến kịp lớ…
Về sau A Sử mới biết đó chính là người làm nghề gia truyền chữa rắn độc cắn. Ông ta có cậu con trai duy nhất đã đứng tuổi mà vẫn chưa có con, thuốc thang khắp nơi mà không có kết quả. Cứ nghĩ đến cái cảnh dòng họ bị tuyệt tự là ông lại vô cùng buồn chán và cứ đi khắp nơi chữa bệnh cứu người, hy vọng cái phúc sẽ đến và đúng là cái may, cái phúc đến cả với hai ông. A Sử vốn có bài thuốc gia truyền chữa bệnh vô sinh do một gia đình người Dao truyền cho nhân dịp ông cứu sống người con trai của họ đi săn bị tai nạn trên núi cao. A Sử bắt mạch, thăm bệnh, cắt thuốc và tự tay sắc cho đôi vợ chồng con người bạn mới. Rồi sự kỳ diệu đã đến, người bạn già của ông có cháu, đặc biệt là cháu trai, niềm khao khát của cả gia đình và dòng họ. Từ đó hai người kết nghĩa anh em, hai nhà coi nhau như một. Năm ngoái người bạn bỏ ông và gia đình về với tổ tiên. Trước khi nhắm mắt, người bạn già nắm chặt tay ông thều thào, trăng trối mong ông chú ý chăm sóc giùm con cháu. Vừa bước vào cửa, người đàn ông sụp xuống chân A Sử cầu xin:
- Con xin ông cứu giúp cho cháu nhỏ, lúc này chỉ có ông mới cứu được cháu …A Sử vội nâng người đàn ông đang tím tái vì giá lạnh dậy dìu tới bên bếp lửa. Sau khi uống cạn chén rượu nóng A sử đưa, người đàn ông nói:
- Thưa ông, con trai con bị bệnh trọng đã cả mùa đông này. Nó không đi lại được, cả dòng họ con đã chạy vạy thuốc thang nhưng bệnh tình không chuyển, thậm chí còn nặng thêm. Gần đây có vị danh y từ Sơn Đông tới mách cho một vị thuốc chắc chắn sẽ khỏi bệnh…
Gỡ tẩu thuốc ra khỏi miệng A Sử vội hỏi:
- Thuốc gì? Người đàn ông ngập ngừng rồi nói:
- Dạ thưa, thầy thuốc dạy phải có cao hổ cốt nấu cùng một con ngựa bạch toàn tính. Bên nhà, cha con còn để lại một bộ hổ cốt, chỉ hiềm một nỗi khắp vùng không tìm ra con ngựa bạch nào.
Không khí như bỗng chùng hẳn lại. Tiếng gió rít lùa qua khe vách ván thông sắc lạnh, tiếng than củi nổ tí tách. Mùa A Sử nhìn lung vào bếp lửa. Ông cũng nghe nói tới vị thuốc này, cao hổ nếu nấu riêng đã là vị thuốc quý tăng lực và chữa xương khớp, khi nấu với ngựa bạch toàn tính sẽ quý vô cùng chữa khỏi bệnh thấp khớp nan y. Mà phải là ngựa toàn thân trắng như tuyết phủ, mồm đỏ, mũi đỏ, giờ ngọ đứng yên như chính con bạch mã của ông. A Sử chợt giật mình, trái tim đau nhói như bị bàn tay vô hình bóp chặt. Ông hiểu lời cầu xin chưa nói rõ của người đàn ông kia. Cứ nghĩ tới lúc phải vĩnh viễn xa chú ngựa bạch là tưởng như ông không sao chịu nổi. Bất giác ông hừ nhẹ trong cổ và cầm con dao để bên bếp lửa chém mạnh vào khúc củi khiến tàn lửa bay tung như hoa cải. Người đàn ông giật mình quỳ sụp xuống:
- Con xin ông tha lỗi. Cũng là việc cùng bất đắc dĩ con mới liều cầu xin ông. Xin ông thương cho cháu nhỏ.
A Sử chợt tỉnh. Ông nâng người đàn ông dậy nhìn trong đôi mắt mệt mỏi như có ngọn lửa le lói niềm hy vọng. A Sử thầm nghĩ: “Ta biết lắm chứ, ta với cha ngươi tuy không họ hàng nhưng tình hơn cốt nhục, mà con của ngươi do đâu mà có kia chứ? Cho ngươi con ngựa mà ta quý như chính thân thể ta, ta đau lắm, nhưng sinh ra làm con người thì phải biết cứu người trong cơn hoạn nạn…” Sau cái đận ấy, A Sử ốm liền mấy tháng trời. Nhiều khi ông không ăn không ngủ, cứ tha thẩn bên chuồng ngựa hay bãi cỏ bên suối như tìm lại hình bóng con ngựa thân yêu.
Đang chìm trong ký ức, A Sử chợt giật mình nghe tiếng gọi từ chân dốc, tiếng gọi của một đứa trẻ vừa quen vừa lạ. Ông đứng bật dậy bước vội ra sân và bỗng sững người lại. Nắng xuân chan hoà khắp núi rừng, trên các triền đồi lộc non mơn mởn. Từ chân dốc, hai bố con cháu của bạn ông, người bạn kết nghĩa đang phăng phăng ngược dốc. Thằng bé hồng hào khoẻ mạnh sà vào lòng ông nghẹn ngào:
- Ông … nội!
A Sử ôm ghì lấy thằng bé. Ông dụi đầu vào lòng nó cố giấu đôi dòng nước mắt, ông đặt nó xuống đất nhìn ngắm một hồi rồi cả ba lại ôm chầm lấy nhau, tiếng cười vang động khắp núi ngàn.
2002
Trần Vân Hạc

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Mùa Hoa ban Tây Bắc

Mùa hoa ban Tây Bắc với chàng lãng tử Trần Hòa Bình

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN - 15-03-2016 02:49:25 PM
Sau những đợt gió lạnh cuối cùng, nơi dốc đứng của những đoạn đường cheo leo hiểm trở hoặc ở tận tít tắp những hẻm núi xa mờ, những cánh ban rừng - đặc sản của riêng Tây Bắc bắt đầu lặng lẽ thi nhau nở… Mùa ban năm nay, tôi lại vác máy quay lên rừng lên bản để thực hiện nốt bộ phim tài liệu “Đi tìm hoa ban”. Chỉ có điều, tôi đi lần này đã không còn người bạn “lãng tử”- nhà báo, nhà thơ Trần Hoà Bình…     
 
Trần Hòa Bình ở Phù Yên - Sơn La
Mùa hoa ban năm ngoái, do điều kiện thời gian, chúng tôi mới chỉ đi tới Mộc Châu, Thụân Châu, và quanh thị xã Sơn la. Chúng tôi dự định mùa xuân năm nay sẽ cùng đi vào tận Sông Mã, Quỳnh Nhai,v.v, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống của đồng bào Thái, Mông, Dao, Khmú, Sinhmun… Đã có dấu hiệu của gió Lào, cùng với sương mù, khói đốt nương, không gian trở nên mờ ảo, đôi lúc nhạt nhoà, tựa nước mắt lau vội của người con gái trong truyền thuyết hoa ban khi lang thang qua rừng sâu núi thẳm mà không tìm được người yêu… Những kỷ niệm về bạn ào ạt cuốn về như lũ ống… Hoá ra, Trần Hoà Bình cũng mắc “cơn nghiện” miền núi như tôi, thậm chí còn nặng hơn. Mỗi lần lên Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, anh lại có thêm những người bạn mới - ở các trường đại học, trung học dạy nghề, phổ thông, cán bộ trẻ ở địa phương… - những người đã hâm mộ anh qua các chuyên mục Tầm Thư, Tiến sĩ giấy, và trân trọng nghe anh nói chuyện, đọc thơ. Tại Sơn La, chúng tôi thường ôn lại kỷ niệm về những người bạn sư phạm dạy văn đã từng sống nơi đây - trong đó có Châu Hồng Thuỷ, Văn Giá, Nguyễn Phượng, v.v. Có lần, anh lên Sơn La thuê nhà trọ cả tuần để ngồi hoàn chỉnh một cuốn sách “com-măng” của một nhà xuất bản. “Tôi mê rừng núi…Chúng giúp tôi có cảm hứng- không phải để làm thơ, mà để vượt qua những trang bản thảo cần nộp đúng hợp đồng…” Anh đã lý giải thế. Song, những lần lang thang cùng Bình trên đất Phù Yên, Bắc Yên, chợ tình Khau Vai, cùng nhiều địa điểm của Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình, Cao bằng…- để tham dự một lễ hội nào đó, để lấy tư liệu viết báo, hoặc chỉ để xả hơi, để đỡ “cơn nghiền” nhớ miền núi, trong những lần ấy, tôi đã nhận biết được bao dự định, bao sự ấp ủ cho văn học của anh! Giữa những cuộc vui, nếu để ý, thường thấy một vài khoảng lặng kín đáo ở anh - phải chăng đó là những ý thơ vụt hiện, những trải nghiệm đang tìm từ ngữ thích hợp? Trần Hoà Bình - con người của công chúng, thường xuyên “bơi” trong công chúng lại thường tạo một con đường đi ngược lại đám đông để tìm về với chính mình, đặng làm một cái gì đó thực đích đáng cho văn chương - và việc hay tìm đến miền núi Tây Bắc của anh chính là một biểu hiện cụ thể…      
 
Trần Hòa Bình  với gia đình nhà thơ Vương Trung tại Thuận châu- Sơn La
Quả vậy, bao năm nay, Bình đã là một “lãng tử” say đắm cần cù góp nhặt cái Đẹp cùng lý do tồn tại của chúng, để dành dụm cho Thơ. Và, thời gian lãng du của anh dành cho vùng núi- đặc biệt vùng núi Tây Bắc là đáng kể nhất. Anh ngẩn ngơ trước một cánh hoa mắc-cọoc ngược sáng trong vườn nhà thơ Vương Trung, hay trước một vệt ban rừng ngập nắng sớm dọc đường miền Tây. Bình mê mải trước một phiên chợ lộng lẫy sắc màu vùng cao, hoặc bên một chiếc túi thổ cẩm đơn sơ quà tặng của bạn… Anh rất thích bài bài dân ca Xá Tây Bắc và đòi tôi chép lại cho anh làm tư liệu: Cây trong rừng cây nào đắng nhất/ Rễ trong rừng rễ nào cằn nhất/ Cũng không đắng bằng cuộc đời người Xá/ Cũng không cằn bằng cuộc đời người Xá làm tôi đòi… Người vẫn mô phỏng dân ca Mông và đọc một cách say sưa cho bè bạn nghe: “Lời anh sẽ về bên gối  lạnh/ Bao dịu dàng cay đắng đêm nay…” cũng là người “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ /Ai trong đời chẳng có một Khau Vai”, và có nỗi “luyến tiếc” đủ sức mê hoặc nhiều người chưa hề đặt chân tới Tây Bắc: “Sao luyến tiếc một nơi chưa hề đến/ Này Lai Châu mưa ướt hết thơ rồi…”. Trong ngày Hội hoa Anh đào tại Hà Nội cách đây vài năm, Bình đã khiến tôi ngạc nhiên, không phải chỉ vì sự phẫn nộ hiếm hoi của anh. Anh căng thẳng nói: “Chỉ với hai cây Anh đào thật mà người ta làm nên cả một lễ hội, còn biết bao rừng hoa Ban tuyệt đẹp trên Tây Bắc thì đang bị đốt, bị chặt phá, và chẳng mấy ai thấy có trách nhiệm phải bảo tồn chúng…”. Tôi đã yêu cầu anh nói lại điều bức xúc ấy trước ống kính máy quay, bên những cành hoa Anh đào xa lạ và ào ạt đám đông “xẻ thịt” chúng…      
Mùa xuân này, tôi đã không có Trần Hoà Bình đi bên cạnh để cùng nhau xuýt xoa trước một cành ban chơi vơi bên vực thẳm, hay cùng lặng người trước những lời “khắp” Thái da diết ân tình bên mâm cơm hiếu khách của đồng bào: “à…ới…ì…Rượu này là rượu tình rượu nghĩa, không phải rượu phản rượu thù… Bữa ăn dù chỉ có củ mài măng đắng, hãy coi như cơm trắng cá thịt…Dù có ăn hay không cũng đừng nên oán trách…”- “Xuân về, hoa ban lại nở, bản làng xinh tươi, xin kể lại câu chuyện đau lòng…” (dịch từ tiếng Thái). Miền rừng núi Tây Bắc từ nay mãi mãi vắng bóng chàng nhà báo - thi sĩ “lãng tử”… Nhưng trong cánh hoa ban trắng muốt có vệt tím bầm ở giữa - thứ hoa kỳ lạ tượng trưng cho Tình yêu đôi lứa và cũng là món ăn đỡ đói lòng ngày giáp hạt cũng đã kịp lưu giữ một giọt lệ vui sướng của anh - một tâm hồn nặng nghĩa tình với Tây Bắc, để truyền thuyết về nó giàu thêm xúc cảm, và có thêm một đôi cánh thơ nhỏ đưa con người ta đến cõi mộng, cõi đẹp - nơi chỉ có tình người chân thật…
_______________________

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Phố Tết

                                                                                          Hạt Cat_Diệu Sinh


Em lại đi phố Tết Hà Nội xưa
Nắng vàng nao nao tâm trí
Chiều êm nhẹ
Ngọn gió trinh nguyên...
Đường Hai Bà Trưng vắng vẻ rất hiền
Trường Tô Hiệu  nhà ba tầng rêu cũ
Đức Mẹ rì rầm ru Hài Đồng Chúa ngủ
 bé thơ em năm tháng học trò. 

Kỷ niệm cồn giấc mơ
Ngày tháng trôi quá khứ
Hà Thành yên bình 
Hà Thành lặng lẽ
 giành cho ký ức xôi xa.

Em đi men Bờ Hồ hoa
Cũ mới phố quen người lạ
Tết thản nhiên khoác đỏ vàng cây lá
Trời thản nhiên rải chanh cốm nắng đường

Cựa quậy cũ xa dậy nỗi nhớ thương
Bóng hình Ông bà... Cô chú
Mẹ phúc hậu áo nhung huyết dụ
Khăn nhung đen óng chiều...

Tết đưa em về xưa cũ thương yêu
Về Hà Nội dịu hiền năm tháng mẹ.