Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nơi ấy là Kinh thành Cổ tích .

logo
  
                                       NGUYỄN ANH TUẤN

Trong một bài thơ, NNB hé lộ cho người đọc thơ biết lai lịch đời anh cùng xuất xứ những vần thơ đầu tiên của anh:/ Nơi ấy các bà Tiên dạy tối biết khóc/ Các bà Tiên dạy tôi biết cười/…Nơi ấy là kinh thành cổ tích/ Nơi ấy là đời tôi…
Và trong tập “Thủng thẳng với thơ”(Nxb Văn học-2011), chúng ta đọc được những dòng sau của NNB: “Tôi là một nghiệp dư thơ. Một nghiệp dư say mê thơ điên cuồng, chép chép ghi ghi và chôn ghi ghi chép chép ấy vào mộ huyệt của im lặng, chỉ thỉnh thoảng, không cưỡng nổi điên khùng, nửa đêm thức giấc, ngửa mặt nhìn trời đọc thơ gửi mây, tặng gió.”
Nhưng những dòng tự bạch bằng thơ đầy thi vị lẫn văn xuôi trần trụi trên chỉ giúp ta có thêm mối đồng cảm ban đầu khi đọc thơ NNB, chứ tuyệt nhiên không giúp ta dễ dàng mở được một cánh cửa để khả dĩ bước vào thế giới thơ anh! Là một người yêu thơ và đọc khá kỹ thơ NNB, hơn thế, còn là bạn vong niên của anh từ khi là một cậu sinh viên văn khoa năm nhất từng bị “thôi miên” bởi hàng chồng thơ chép tay cao vật vưỡng của đôi vợ chồng thi sĩ nổi danh Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên, tôi xin cố gắng thử mở một trong những cánh cửa Thơ đó.
1. Ta có cảm tưởng, thơ NNB giống như một cuốn kinh đồ sộ tập hợp biết bao suy tưởng cảm nhận của người thơ về đời sống, về cội nguồn của đời sống và của thi ca… Song cuốn kinh ấy lại tựa ma trận của lòng người mà bản thân người làm thơ cũng phải thấy ngợp, đôi lúc có cảm giác chết chìm, có điều đã luôn phải vùng quẫy để thoát ra khỏi cơn lũ ngôn từ và ấn tượng để quan sát, để chiêm nghiệm; và trong khi quan sát chiêm nghiệm đời sống thì quan sát chiêm nghiệm ngay chính những ấn tượng, những kinh nghiệm sống cùng quan niệm xử thế của mình, để rồi từ đó, “Thơ đã ra đời như những liều thuốc giải độc trí tuệ, vì nếu thơ không được sinh ra hẳn tôi đã mắc chứng điên và bị buộc phải vào nhà thương Thường Tín”- như chính tác giả tự bạch. Như vậy đối với NNB, làm thơ chính là một cách ứng xử chủ yếu với đời, một cách bảo vệ phẩm giá đặc biệt, một vũ khí hữu hiệu chống lại sự đểu giả, là một lý do và một phương thức chính để tồn tại…
NNB khiêm nhường tự nhận là “người thơ nghiệp dư”, nhưng thực ra đó là một tác giả rất có ý thức về sự nghiệp thơ ca của mình, và rất chuyên nghiệp. Có điều, anh đã chọn cho mình con đường thực chông gai.
Trong những năm tháng mà âm thanh cao vút của những bài hát, chất sử thi – giao hưởng hùng tráng của những “Sư đoàn”, “Đường tới thành phố”, “Tình yêu và Báo động”, “Lửa đèn”, “Mặt đường khát vọng”, “Mặt trời trong lòng đất”(1)… là âm hưởng chủ đạo cho tinh thần xã hội (và đặc biệt cần thiết), thì cái bè trầm “âm âm lời Chinh Phụ lời Kiều” của thơ NNB chắc chắn không thể được coi trọng nếu không muốn nói là bị hắt hủi, bị truy bức ra khỏi đời sống cộng đồng! Lại còn “Tình yêu mượn cánh thánh thần chở che” nữa, rõ là “ngạo mạn” và “xấc xược”! Mặc dù anh tự nhận đứng trong hàng ngũ: “Chúng tôi đang viết những tráng ca/ Những tráng ca bằng gươm bằng súng”- nhưng riêng anh thì lại không viết tráng ca mà lại viết: “Thơ run rẩy những lời có cánh/Khúc yêu mình trộn khúc thương con”- “Lời ru không vui không buồn/Thơ hạ cánh đậu nghe lạnh ngắt” khi bếp lạnh và “bụng trống không”, khi “Khúc yêu trong màn khóc mớ/Khúc yêu lạc giọng ru con”(Tam tấu).
Giữa những ngày sắt thép máu lửa đó, anh lại dám “Mơ sen”: “Bỗng cò nghiêng cánh/Gánh tôi về/ Thuyền sen”, và dũng cảm “Ngẫm về thơ” theo cách chẳng thời thượng chút nào: “Thuyền thơ chở đầy trăng thơ/Đầy trà đầy rượu đầy hoa/Và đầy nhân tình”. Chiến tranh không cướp đi của người thơ nguồn cảm hứng vô tận về “Mùa yêu”: “Âm dương tình ngỡ trong mơ/Mùa yêu chẳng có bến bờ thời gian”. Trong “Mùa yêu” đó, dường như anh cố gạt đi những âm thanh chát chúa để lắng nghe rõ hơn bao giờ hết “Dân ca buồn con sáo sang sông” hay “Rêu cổ tích rù rì kể chuyện” và ngẩn ngơ trước số phận do các bà Tiên xếp đặt: “Phải định mệnh nhân duyên/Bỏ bùa anh lạc lối/Ai rủ chân sen tới/Cửa rừng nơi hẹn hò?”.
Trong khi những lứa đôi chia tay nhau để ra trận, người thơ lại “Hát tặng biệt ly”: “Nghe sông chảy lững lờ đôi buồm trắng/Nghe phố xá nằm dài trong mật nắng/Nghe nôn nao cánh bướm đậu hoa vàng”.
Cái thời cần kêu gọi lòng căm thù và ý chí chiến đấu thì anh lại đưa ra những lời đạo lý cổ xưa của ông cha tưởng chừng lạc lõng: “Này cò này vạc này nông/Không sống tử tế đừng mong thành người” (Ký ức ca dao).
Một “Vườn chiều có thực” của thời chiến tranh có khói hun muỗi từ giẻ mà anh lại hình dung như một vùng đất cát mềm của Tiên Dung – Chử Đồng tử, của Giếng ngọc Cổ Loa, có tiếng hát Trương Chi, ở đó “Tôi đang độc ẩm cuồng say/Những ly rượu thơ cồn cào bụng đói/ Bao nhiêu người đang đói/Có thơ uống như tôi đâu/Sao em lại cúi đầu/Thương tôi mắt khóc?”(Vườn chiều).
Trong những năm đáng lẽ chỉ được hát ca, anh đã ngậm ngùi kể về người mẹ vẫn “Thương thằng mộng mị thơ ca/Chọn yêu cuộc tình kiếp nạn”, và về người vợ “Chít trắng đầu tang/Nuôi đàn em thay mẹ/Mom sông cô gái nhỏ/Tay cò mắt vạc kiếm ăn” (Thuyền tình).
Những điều “xa lạ” và “lạc lõng” nói trên-  xét cho cùng là vô hại, thậm chí chúng cần thiết giúp cho con người  giữ được cái gốc nhân bản trước những thảm cảnh khốc liệt, song đã vô tình góp phần tuyên một cái án “không có án” để gia đình thi sĩ phải ôm hận “ly hương” suốt mấy chục năm trời sau đó!
Thực ra, trong những năm tháng đạn bom ấy, người thơ có phần lập dị này cũng sống như tất cả cư dân Hà Nội. Anh đã sững sờ trước “những kỳ ngộ đẹp như thơ/Tình mình làm sao sánh được/Ấy là lẽ vì sao em không khóc/Trước gian nan tem gạo phiếu tiền”. Anh đã khóc như tất cả những người dân lúc đó trước câu chuyện về người bác sĩ trẻ chết bởi bom Mỹ trong ngày cưới, đã xúc động run người trước hành động bất chấp hiểm nguy của những con người lao động bình dị: “Cô bác sĩ Cửa Đông nuốt khóc/Thiệp hoa phủ xác nửa mình/Anh thợ điện người Ô quan Chưởng/Bới nhặt nửa mình trong đổ nát Khâm Thiên…”(Ca trù mùa thu). Anh cũng trở về cơ quan để “thay ca trực chiến” như mọi phóng viên khác của Đài tiếng nói VN, cũng “đồng loạt cánh tay giơ” để “lên Tháp Bút viết hùng ca”… Nhưng, cái “tạng” của anh không phải là “hùng ca”; và điều đáng quý là, người thơ hiểu rõ hạn chế của mình, anh đã không ít lần tự dày vò: “Mặt trận cờ reo quân reo/Trào lửa mà đành nuốt khóc/ Đứng tựa lưng trăng/Bút thay gươm súng/Chuốt câu thề” (Tự họa tuổi trai).
Người thơ có khát vọng lý giải sức mạnh chiến thắng của hiện tại bằng mạch nguồn từ xa xưa, nên cũng dễ hiểu anh thường để “Hồn quanh quất nơi cửa rừng nguyên thủy” (Về cội). Với trí tưởng tượng phong phú tràn ngập cảm hứng lịch sử, NNB hình dung: “Trăng nhớ những đêm Lạc Việt/ Gươm kiếm mài ngời trăng lu” (Chứng tích chiến tranh). Anh say sưa với “dòng sông chảy qua làng Việt cổ”, với những nơi nào từng có “Sá cầy lật mở binh thư/Người cấy lửa vào lúa/Người chép lửa vào thơ” (Huyệt lửa). Anh là nhà thơ đầu tiên của thời mới tìm thấy sự đồng cảm lạ lùng với Thánh thơ Cao Bá Quát và có cả một tráng ca về cụ: “Đời Quát có hai vua/ Thơ Quát chỉ có quyền chọn một”- và Cao Bá Quát đã chọn”một ông vua là con dân mẹ nước”; thế nhưng “Đói khát vẫn hoàn đói khát/ Xã tắc khốc hư/ Ngậm miệng vái xin trời Phật”, và anh nguyện sống với “Thác đoàn quân Cao Bá Quát/ Vào tử tìm sinh.” (Thánh Thơ).
Từ cảm hứng lịch sử, NNB nhìn lại cuộc chiến tranh hiện tại và có cách cảm nghĩ riêng. Trong bài “Quả Mặt trời”, trước tội ác hủy diệt của giặc Mỹ, anh băn khoăn: “Chảy đi đâu hỡi máu”- “Máu đã chảy lên thành Quả Mặt trời”- nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là “Giấc mơ thơ nát bấy như bùn” và “Tọa tòa sen Phật bà khóc” (Chùa Một cột).
NNB muốn “Tượng hình làng quê sông núi” theo cách riêng của anh: “Tinh tú tôi ơi, sao thốt lời buồn/Lập nghiệp gì đâu đời thi sĩ/… /Em gái quê cần lời thay nước mắt/Ủ vào khăn tặng bạn trước chia ly/ Và với tôi điệu vần ấy đôi khi/ Cứu tuyệt vọng xô đời xuống vực” (Tinh túy ngộ duyên). Nhà thơ biết phận mình: “Đời cha nghèo xác/Chỉ những bài ru là giàu có hơn người” (Ru con).
Mặc dù NNB không chỉ một lần tôn vinh: “Nụ cười là đặc sản của dân tộc tôi” (Đề dưới nụ cười), song ở thơ anh phần lắng đọng rung cảm nhất lại là “giọt khóc rơi xuống thì thầm” của người phụ nữ (Cầu thương). Bởi chính người thơ tuyên bố: “Mà tôi/ nghĩ lạ lùng chưa/Học khóc/Bởi sợ đời dư hát cười”(Học khóc). Nhà thơ không chỉ nhìn thấy những quả bom rơi xuống đe dọa cuộc sống bình yên, mà còn nhìn thấy cả chặng đường lam lũ đói khổ của các làng quê Việt từ ngàn xưa và chưa biết đến bao giờ chấm dứt: “Sông cái chia nhánh còng số tám/Nước khóa làng tôi”- “Thương đất trắng chìm trong lũ”( Làng nước)- “Những câu ru nhang cháy/ Dưới trời bâng khuâng hương”(Lời ru dưới mỗi mái nhà). Nhà thơ tự nhận: “Anh có lỗi đã thăng hoa bi kịch”. Nhưng anh không thể làm khác, bởi một lẽ giản đơn: “Anh hằng kể con nghe kiếp sống ông bà/Trải bao nhiêu cực khổ/Vẫn trước sau làm người tử tế/Ngẩng đầu đi khắp thế gian”. Điều khiến anh băn khoăn giữa lúc phải trốn chạy cái chết từ trên trời rơi xuống cũng là: “Con anh sao chẳng nên người/Cháu anh sao chẳng nên người/Không nên người/Thì sao còn sông Cái sông Con/ Sao còn tiếng hát Mỵ nương/Chèo đò lên non Tản/Bỗng cháu nội hươ hươ thức sảng/Hỏi sao ông khóc ông ơi?”
Xu thế thời đại là phải vươn tới đỉnh cao, phải “ra ngõ gặp anh hùng”, vậy mà anh dám chỉ nhận mình là “tre nứa”: “Thông tùng cao ngạo phong ba/Chẳng lẽ tre nứa không là đời cây?/ Mặc ai chò chỉ lim mây/Ta vẫn kiêu hãnh một cây giang thường”. Thái độ nhún nhường đó chắc cũng gây ra không ít sự soi mói, nghi kỵ.
Trực giác và kinh nghiệm sống giúp nhà thơ nhìn thấy giữa thời “hùng ca” đó đã manh nha những vấn đề đáng quan ngại đối với đạo lý truyền thống – đó là chủ nghĩa xu thời, chủ nghĩa thực dụng, thói ích kỷ xuất hiện, cùng những thứ không thể tồn tại bên cạnh sự “tử tế”; nhiều lần anh đã phải thốt lên cay đắng: “Quanh ta hỏi có bao người/ Gian manh mà vẫn sống đời tụng ca” (Bài ru trằn trọc).
Những khi chán nản,”Giữa Âm Dương mông lung”, buộc phải “Hát rong tôi trộn kinh hoàng vào đêm”, nhà thơ chỉ biết “Tôi tụng tôi/ Nhân quả”(Cửu tụng). Thất vọng bởi những lời hứa hẹn xuông, những diễn văn lắm lời với những viễn cảnh to tát chỉ có ở thiên đường, anh “thắp nén nhang thơ”(Chép thơ công nghiệp đất) và khao khát “Ra với biển đi tất cả những ai/Hoang tưởng như tôi biển mời ra biển”(Biển mời), hay cư xử một cách khá nghênh ngang làm tức mắt chẳng ít người: “Tôi bay trên bể đời giông tố hát nghêu ngao”. Anh tìm đến Thiên nhiên như cội nguồn sinh lực và lòng tin yêu cho mình: “Tâm hồn anh bay lượn giữa thiên nhiên/nghe ríu rít tiếng thơ trong lá cỏ”- “Công danh thế là quá đủ/Phận mình thuyền thúng qua sông”… Tất cả cốt chỉ để mong vượt qua những nghiệt ngã của đời mà anh kể lại trong “Tự thuật sinh tồn”. Thế nhưng anh đã vô tình “Phạm luật người quan họ” và phải trả giá: “Khốn khổ thân tôi đa tình/Phạm luật người quan họ/Cõng một cánh bèo giạt trôi”( Quan họ không ngoại tình).
Và gần suốt đời nhà thơ phải “hơ hoảng” khi đã quá dại dột, dám liều mạng làm một chuyện tày đình vào những năm 70 thế kỷ trước khi tuyên bố thẳng thừng: “Thơ là Thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ”, và “phạm tội trẻ con” là “Luận Kiều thời chinh chiến…” (Tự thuật tội lỗi).
Không hiểu sao, tôi chợt liên tưởng người thơ có phần “kỳ dị” này với nhân vật bác sĩ – nhà thơ Zhivago của nhà văn Nga Boris Pasternak. Trong biết bao sóng gió kinh hoàng của số phận, cắn răng chịu đựng những tàn bạo phi lý của chiến tranh, Zhivago vẫn băn khoăn trăn trở với sự nghiệp văn chương của mình; anh đã viết bản trường ca “Xao xuyến” với ý tưởng sáng tác như sau: “Bao lâu nay chàng vẫn muốn miêu tả cái cảnh trong ba ngày một cơn bão đất đen tối, lúc nhúc dòi bọ, bao vây và tấn công ra sao cái hiện thân bất diệt của tình yêu, ném đất đá rào rào vào nó, vào cái hiện thân ấy, hệt như những lớp sóng biển dồn dập đập vào bờ và chôn vùi bãi biển…”(Bác sĩ  Zhivago – Lê Khánh Trường dịch)
2. Trong khi “tìm cho mình một con đường khác, lầm lũi riêng mình, lầm lũi yêu thơ”, NNB hầu như không bao giờ hoàn toàn hòa nhập vào cảnh ngộ, mà anh thường có góc riêng kín đáo nhìn đời, nhìn chính thân thế và tâm trạng của mình để phát hiện ra các thi tứ và “tụng” thành thơ sau khi đã âm thầm vượt qua bao nỗi buồn đau cay đắng. Sau khi đã tạm thời “hóa thân” vào nàng Kiều, vào Từ Thức, vào các bà Tiên, vào Sông Cái, vào Thánh Thơ… nhà thơ dần lùi xa khỏi những nhân vật tưởng tượng để bắt đầu miêu tả, dựng lên thế giới tinh thần của họ – bằng cách đó mở rộng đến gần như là vô hạn biên độ của xúc cảm và tư duy nhận thức. Sau khi đã “khách quan hóa” nhân vật trong tưởng tượng, NNB làm công việc khảo sát, đánh giá về thân phận, phẩm cách… của nhân vật đó và đồng thời cũng tự bộc lộ thân phận cùng phẩm cách của chính người thơ. Thường là, từ một nguyên cớ, một biểu tượng giàu sức thuyết phục hay đã từng quen thuộc trong đời sống lịch sử – văn hóa dân tộc, sau khi đã làm giàu có thêm cho biểu tượng bằng nội lực văn hóa thẳm sâu và thăng hoa nó bằng xúc cảm thơ tràn trề, anh quay trở lại đào sâu mãi vào chính nội tâm đang ngổn ngang (thậm chí có thể còn đang hoang mang nữa) của mình như đã tìm được chỗ dựa, đã tìm được vỉa mạch, và chính tại những chỗ này, khi “Anh bật khóc thành tiếng/Nước mắt tràn đê”, thơ anh thường lóe sáng một cách thực bất ngờ, khiến người đọc rung động ngây ngất… NNB thường đem cả trải nghiệm đời mình làm chỗ dựa, làm sự tham chiếu cho từng câu thơ một! Và phải chăng điều này cũng đã góp phần quan trọng khiến thơ NNB trở nên vô cùng phong phú- phong phú đến rậm rịt làm người đọc như lạc vào mê hồn trận của chữ nghĩa phập phồng cảm xúc của tác giả nhưng vẫn được tác giả kéo riêng ra một chỗ để suy ngẫm về nhân tình thế thái. (Tiêu biểu như các bài: Từ Thức bơ vơ,  Sông cái mỉm cười, Ô cửa vuông trăng, Âm dương, Gia phả, v.v.)
Nhưng ngay cả khi viết về (hay viết cho) một đối tượng gần gũi thân yêu nhất, NNB cũng xử dụng biện pháp tạm gọi là “phân thân” này. Trong bài “Hai ngôi sao không lặn bao giờ”, đoạn đầu nhà thơ bày tỏ tình cảm trực tiếp với vợ: “Anh không nhận ra em/Một năm có là bao xa cách/Em ủ đầu anh vào ngực/Anh không thể nào hỏi được/Sao tiều tụy thế mình ơi?” Nhưng ngay liền đó, nhà thơ tách ra khỏi quan hệ trực tiếp để quan sát người vợ kỹ càng hơn, thông qua biểu tượng là đôi mắt, và đồng thời quan sát miêu tả chính nỗi xúc động của mình- hơn thế, để khái quát về thân phận của người phụ nữ trên “đường đời nhiều cạm bẫy”: “Chỉ còn đôi mắt/Đôi mắt chậm chạp u buồn/Một nốt ruồi đẫm lệ/Chỉ còn đôi mắt/Đôi mắt vẫn như ngày nào/ Đôi mắt ngày nào tôi nói yêu em/Đôi mắt khép nhận lời/Chỉ còn đôi mắt của vợ tôi/Toàn thân em như cây thị rũ lá/ Khô cành trước gió ban mai/Chỉ còn đôi mắt/Đôi mắt kể tôi nghe/Lưng ngày nắng quật/Đêm ngồi bỏng vú nuôi con/ Vai gánh nỗi thương chồng/Đi xa đường đời nhiều cạm bẫy/Chỉ còn đôi mắt/ Đôi mắt đổ xiêu.” Tới đoạn 3, đoạn sau cùng, nhà thơ lại trở về vị trí trong đoạn thơ đầu, trực tiếp tâm tình với vợ; nhưng ở đây, đôi mắt đã được tách ra thành đối tượng thẩm mỹ riêng biệt đối với cả hai người, và đó chính là một sự “phân thân” cấp số nhân khiến cảm xúc được dồn nén nghẹn ngào suốt từ đầu bài thơ đến cuối cùng chợt vỡ òa: “Anh ôm đôi mắt ấy/Bỗng òa đôi mắt khóc/Tình rụa ràn mặt anh/Đôi mắt u hoài trong vắt/ Đôi mắt ấy chính là hai ngôi sao trên trời/Đêm đêm nhìn anh/Thức với anh/Đi cùng anh/Hai ngôi sao không lặn bao giờ.” Thương cảm nhưng không chìm ngập trong nó mà để đúc rút ra được biểu tượng của Cái Đẹp và Tình Thương! Đây có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu cho phong cách NNB (tạm gọi thế); và nếu tôi có trách nhiệm trong Ban tu thư soạn SGK, tôi sẽ lập tức đưa bài này vào chương trình văn phổ thông trung học!
Nhìn chung, ở thơ NNB, các yếu tố tự sự (narrative) và trữ tình (lyric) hòa quyện khó phân biệt – trong tự sự đã thổn thức trữ tình và khi trữ tình lại đậm đặc tự sự – đó là một thứ tự sự giống thể văn kệ của văn học Phật giáo song lại giàu trực cảm. Sự trang trải thi hứng đến ào ạt không ngăn cản NNB thường cô đúc câu của thơ mình vào một hình thức ngắn gọn, mộc mạc như lời nói thường ngày song có sức nặng triết lý như châm ngôn, tục ngữ và gửi gắm được suy tư thâm trầm của một” thầy phù thủy” chữ nghĩa”. /Có đường bởi có bước chân/Có ngã ba bởi đời cần tìm nhau” – “Em đã trả lại anh cho đời/Đã trả lại dòng thơ thủ thỉ cho yêu/Cái chết bỗng trở thành hèn nhát” – v.v.
Ngay từ những bài thơ đầu tiên của mình, NNB dường như đã có xu hướng huyền thoại hóa những hình ảnh, những chi tiết thơ, những quan sát cùng nhiều thi liệu khác đã trở nên quen thuộc thậm chí mòn sáo nhưng khi nhìn qua “Gằm gằm nỗi gì sau đít chai” cộng với một tình thương trĩu nặng thường trực thì “ngựa lá đa sẽ hóa ngựa thần”… Xu hướng tinh thần và dần biến thành quan niệm sáng tác vững bền này khiến người thơ thỏa sức chìm trong “Ký ức ca dao”, trong “lung linh cổ tích đêm mơ” và biết bao biểu tượng của văn hóa Dân Tộc gần gũi với mỗi người dân Việt từ thở ấu thơ cho đến khi từ giã cõi đời- dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Thơ NNB, từ thời xa lắm cho tới gần đây nhất, hầu như chỗ nào cũng ướt lệ và thầm thì âm hưởng những lời ru nao lòng “rợp từng đàn cò trắng” hay “âm âm lời Chinh phụ lời Kiều”… Nhà thơ đi trên “một con thuyền Trương Chi “suốt từ thời tráng niên cho tới ngày lên lão mà chưa hề thấy mệt mỏi, chán nản, ngược lại dường như càng đắm say thêm những gì được thấy được nghe trên con thuyền ấy- kể cả tiếng hát cô đơn xa xót của chính mình… Nếu bình tĩnh đọc và nghiền ngẫm dễ nhận thấy: mọi tâm tư, mọi nhận xét, mọi kiến thức, mọi thi hứng… của NNB dường như được liên kết lại trong/ và nhờ một trường cảm xúc – liên tưởng khá đặc biệt mà từ đó, tác giả phiêu du vào cõi Mộng; và cái cõi Mộng này (nhiều lúc kèm theo Ảo) thực ra cũng chỉ là hồi quang của ấn tượng lịch sử, của kinh nghiệm trường đời từng được lặn sâu trong mạch đời sống tâm hồn Dân Tộc. Đó là sợi tơ lòng thầm kín nhất, nhạy cảm nhất, và có thể nói là đắm đuối nhất kể từ những năm tháng người thơ được “bú mớm” bởi tình thương của các bà Tiên trong “Kinh thành cổ tích”, để lúc nào cũng sẵn sàng ngân lên thành lời ân nghĩa, thành “Thơ Dâng” (Tên một tập thơ nổi tiếng của thi hào Ấn Độ R.Tagore). NNB bơi lội hít thở trong cái “trường” văn hóa Dân Tộc đậm đà tình nhân ái của ông cha từ thở thơ ấu, từ buổi “lần đầu tiên thấy lòng tôi chiêng trống”, mà đối với anh dù đi suốt cuộc đời “vẫn là mới sáng hôm qua”… Nhưng không phải nhà thơ vay mượn những hình ảnh, những biểu tượng và sự thụ cảm dân gian ấy, mà chúng thực sự là máu thịt của anh, nảy sinh từ trong huyết quản và từ tận tế vi tiềm thức, chúng được chứng thực bằng nỗi đau riêng và nỗi đau chung của anh! Lắng nghe một cách chăm chú chật vật, giao tiếp một cách đau đớn, đối thoại một cách vật vã, để rồi sau đó nhà thơ chỉ làm cái việc là vội vàng run rẩy ghi lại một cách chân thật những gì mà tiềm thức nói, những gì mà chàng Từ Thức tâm sự, những gì mà Thánh Thơ Cao Bá Quát dạy bảo, những gì mà nàng Kiều thổn thức, những gì mà bà Tiên phán truyền, những gì mà người cha trăng trối… Sự thống nhất khá bền vững của hệ thống thi liệu và cách thụ cảm dẫn tới nghệ thuật biểu hiện rất nhạy cảm với nỗi khổ đau này, theo tôi là  một nét đặc sắc riêng biệt khó trộn lẫn với bất kỳ ai của thơ NNB, lý giải phần nào sức cuốn hút gần như huyền bí của thơ anh. Và chính cái trường cảm xúc – liên tưởng nói trên cũng góp phần quan trọng tạo nên một người thơ NNB không giống ai, nó tựa một thứ “tâm trạng mỹ học đặc biệt” được nhiều nhà nghiên cứu văn học & nghệ thuật đã nói đến, tiêu biểu là của tác giả E. Weber: “Tảng đá tư tưởng rơi vào tâm trạng này và làm dấy lên những đợt sóng tinh thần, những đợt sóng này vươn tới sự biểu hiện bằng ngôn ngữ và sẽ phải trở thành Thơ.”(2)
Mấy chục năm trước trong ghi chép “Thủng thẳng với Thơ”, NNB đã tâm sự: “Tôi lắng nghe nhịp đập trái tim mình từ mọi phía khác nhau của cuộc đời, sự chỉ huy không phải là bộ óc, mà là trái tim, cho nên những phấn khích nội dung nơi trái tim liền tức khắc thành thơ, những vần thơ ấy nhiều khi mâu thuẫn với chính tư duy của mình”. Cũng nhờ sự mâu thuẫn đó, cũng giống như trong nghề làm gốm, một bình gốm bị “hỏa biến” tức là không làm chủ được nhiệt độ thì sản phẩm bị hỏng, nhưng cũng có lúc lại tạo ra sản phẩm kỳ lạ độc nhất vô nhị, tác phẩm thơ đôi lúc thăng hoa không ngờ. Trong thơ NNB, ta gặp không ít trường hợp như vậy. Trong bài gần đây nhất “Hello” ta có thể nhận ra: tất cả những màu sắc rực rỡ hay xám xịt, những tiếng khóc tiếng cười, những chuyện vui – buồn, cũ – mới trong cuộc đời này,  từ nước Việt xa xôi đến những bang của nước Mỹ… đều có thể ném vào hai câu thơ sau đây như một cái “thùng không đáy”, đầu bài: “Chỉ thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc”, và cuối bài: “Người viết những dòng nhật ký này hello cùng tiếng nức nở trong lòng”. Tới lúc đó, hình như người đọc cũng vô tình phải làm thơ theo anh, cũng muốn “hello” với một giọt lệ cay trong đáy mắt…
Tuy vậy, trong lúc say sưa “Chuyền tay chữ hát xuống thuyền”, thơ NNB không phải bài nào cũng “đắc ý” làm thỏa mãn người đọc. Những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, nhân học, văn học dân gian… được thể hiện trong thơ NNB không phải lúc nào cũng được xử dụng đúng chỗ, đắt giá, thậm chí đôi khi chúng làm thơ anh nặng và rườm. Nhưng dù thế, chúng cũng đều kịp thủ một “sứ mệnh” nào đó trong kho “Lưu trữ yêu” của thi sĩ có thân phận khá đặc biệt này.
3. Trong một tập sách đối thoại về thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng có dẫn câu nói của nhà thơ Wiliam Carlos Wiliams: “Khó mà có thể tìm ra các tin tức trong thơ, thế nhưng hàng ngày, con người vẫn chết thê thảm vì họ thiếu những điều chỉ tìm thấy trong thơ.”(3) ”Những điều chỉ tìm thấy trong thơ” đó- dĩ nhiên phải là thơ thứ thiệt- chúng ta có thể tìm thấy trong từng dòng, từng trang thơ NNB mà ở đó anh đã thành thật đến não lòng kể lại: “Thơ tôi đã ra đời trong tiếng gõ cửa dồn gấp, trong những lời kêu thét bệnh hoạn, trong đói nghèo muốn cuốn đời vào hèn hạ, nhưng nó vẫn kiêu hãnh khóc như trẻ sơ sinh, trên cái bàn chỉ đứng ba chân…Tôi đã chép những chán nản ấy, những thất vọng ấy, những cay đắng ấy vào thơ. Và hân hoan thay, thơ trả lại cho tôi những dòng chữ nghĩa như khí cho tôi thở, như lửa cho tôi chế biến thức ăn, như sông suối cho tôi tắm mát. Đó là đức tin phải có, đức tin phải sáng rạng trong tâm hồn…” (Thủng thẳng với thơ). Và với riêng tôi, đây mới là điều đáng yêu, đáng quý nhất của thơ NNB: Trầm lắng vào cuộc đời Dân Tộc, đúng hơn là vào hành trình đau khổ của Dân Tộc- với phương tiện khi là lục bát, lục bát biến thể, khi thơ không vần, thơ văn xuôi…- nhà thơ bằng cách đó đã làm giàu có cho tinh thần mình, để trước hết dạy dỗ cho con cháu anh thông qua “Bài ru trằn trọc” về những lẽ đời nghiêm trang cảm động, và bài học quan trọng nhất là tình thương, lòng trắc ẩn- cái điều đang thiếu trầm trọng trong hệ thống giáo dục của ta! (Tôi bỗng nhớ đến Châm ngôn thứ hai trong việc giáo dục học trò ở tác phẩm lớn “Émile hay là về giáo dục” của J.J. Rousseau chính là câu thơ Latin của thi hào Virgile: “Tôi biết điều bất hạnh, chính nó dạy tôi cứu giúp những người đau khổ”).
Thưa Bạn đã và sẽ yêu quý thơ NNB, hãy thử, với một cánh cửa tạm mở như trên mà bắt đầu (hay thêm một lần nữa) bước vào thế giới thơ anh, và trước hết hãy đọc nó như đọc một tập kinh cầu nguyện khi ta có Đức tin về Thơ, về Tình thương và Ân nghĩa trong Cõi Đời còn nhiều gian truân và ngang trái này…
____________________
* “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy I”, Nxb Văn học, HN-2010 & “99 khúc tặng Liên”, Nxb Văn học, HN-2012
1. Tên những tác phẩm trường ca & thơ dài nổi tiếng củaNguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo…
2. Dẫn theo: “Tâm lý học sáng tạo văn học”- M. Arnaudov, Nxb
Văn học, HN-1978, tr.536.
3. Dẫn theo: “Thơ đến từ đâu”, Nxb Lao động, HN, 2009
Hà Nội, 2011- 2013
Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét