Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Dũng cảm lên con

DŨNG CẢM LÊN CON!
                                             Cho con gái Mai Quyên

Nửa đêm, tiếng sét giật cửa kính
Con choàng sợ hãi
Bố vỗ về con bằng lời ru do bố tự tạo ra:
Dũng cảm lên con, dũng cảm lên con…

Phải, hãy dũng cảm lên con, dù con đang làm một “kẻ ăn xin”1 rất lâu nữa trước khi là người biết cho và có khả năng cho người khác…Bởi lòng dũng cảm là cội nguồn của Nhân hậu, Lương thiện - những danh từ đã bị lạm dụng, bị lợi dụng, thậm chí bị đánh cắp nội dung từ những người đáng yêu, trong đó có kẻ “ăn xin” thần thánh như con.

Con cần có đủ lòng dũng cảm để sẽ không bị chết chìm trong những dòng thác ngôn từ hình ảnh của cái thời mà tất cả biến thành quảng cáo và mọi giá trị đều bị quy thành vàng thành tiền dù là tiền vàng dương gian hay tiền vàng âm phủ.

Dũng cảm lên con, để nhỡ khi không còn bố trên đời, con sẽ không hề lạc lõng trước những gì bố để lại cho con kể cả cái đói cái nghèo sự dày vò mệt mỏi bố từng vượt qua dù là bằng cách ngạo nghễ hay não lòng nhưng con không phải trả nợ cho bất cứ điều gì cho bất cứ ai và không xấu hổ về người đã trót sinh ra con.

Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm2…Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…

Con cần đủ lòng dũng cảm để có thể hiểu thực chất hai chữ "đồng bào" chính là ý nguyện dâng hiến cao cả cho phần máu mủ ruột rà của con đang chịu bao khổ đau bất hạnh trong cuộc mưu sinh rủi ro và để biết căm giận những kẻ tham lam độc ác chà đạp lên đồng bào mình.

Lòng dũng cảm giúp con bớt nghĩ về bản thân để cảm thương hơn cho số phận cô con gái bé bỏng bị bão cuốn trôi giữa khi người cha lấn biển gian nan và khi đó con đã vô tình mang tâm hồn của Đức Mẹ Maria hay Đức Quán Âm Tống Tử khiến bố nghiêng mình trước con đúng hơn là trước cái lý do bố tồn tại trên cõi đời này.

Lòng dũng cảm cũng chính là khát vọng của con tìm lại những điều trong lành dường đang chạy trốn trong thần thoại cổ tích giúp bố vẫn là bố đi qua cái thời buổi mà sự đểu giả đốn mạt thường không bị trừng trị nhưng lòng dũng cảm nhỏ bé của con sẽ là đốm lửa nhỏ góp vào đống lửa của Lương tri đang phẫn uất cần được thổi bùng.

Sau này nếu con hỏi: con tiếp tục lấy đâu ra lòng dũng cảm? Con có cả cuộc đời trước mặt cộng với nỗi buồn và sự phẫn nộ của bố trước những gì đểu cáng để tìm câu trả lời…

Dũng cảm lên con !
____________________
1.Thơ R.Tagore (Bé có hàng đống vàng đống ngọc/ Nhưng bé đã đến mặt đất này/ Như một kẻ ăn xin)
2. Ý thơ Nguyễn Trãi    

Đạo diễn-nhà văn Mai an Nguyễn Anh Tuấn



Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Đêm ấy


                                                                      Lý Viễn Giao



Sương chiều dấu bản dưới màn cây
Nắng nhạt bôi loang vách đá gầy
Gió bấc chải ngang làn tóc khói
Nhà ai co lạnh cuối đèo mây

Liếp nứa che nghiêng ánh mắt chào
Đường quanh lối đá lá xôn xao
Ấm dạ lời vui nâng bước mỏi
Chín nấc thang lòng chín bậc cao

Củi mớm than hồng hoa lửa bay
Sắn lùi thơm tỏa ấm lòng tay
Rượu bắp nghiêng bầu khum miệng bát
Hương rượu men đời gọi mắt say

Gió núi gào khuya lạnh tiếng vui
Tìm về giấc ngọt giữa chăn sui
Giật mình chăn đã ong hơi ấm
Lá gội chiều thơm vẫn đượm mùi

Đêm ấy làm sao thật lạ lùng
Hương thầm thổn thức giấc mông lung
Ánh mắt trong ngần con gái ấy
Nửa rót yêu thương nửa ngại ngùng .

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Vài suy nghĩ về thơ ngắn



PV.Ninh Sơn

                                                     Tác giả đứng bên trái
     

                        NÉT ĐAN THANH  về  ‘MU`A HY VONG’

                                                         ***

                                    VÀI SUY NGHĨ VỀ THƠ NGẮN

             Từ xưa ta đã gặp trong ca dao, trong thơ văn những bài ngắn gọn, lời hay, ý đẹp, dễ nhớ. Đến bây giờ, trên trang mạng, trong ấn phẩm, hay tại những ngày hội thơ,.. ‘trăm hoa đua nở’. Những vườn ấy có ‘thơ dài’ ‘thơ ngắn’ và ‘cực ngắn’’;  từ năm, ‘mười’ chữ qua ‘một, hai, ba, bốn câu’... đến ... vài  ba  ngàn câu.

                                                         ***

            Người ‘đầu tiên’ ở ta ‘khởi xướng’ một loại thơ ít lời, nhiều ý, gợi mở, có lẽ là nhà thơ Thao Thao  [Cao Bá Thao – (1909-1994)], trong phong trào “Thơ mới” (1932 – 1941). Ông nêu ra trước văn giới loại thơ “một câu ” và đã viêt nhiều bài:

                            Trời nước lặng,  mơ hồ ;  cá đớp trăng.
                            Gió mơ màng;  cây rủ ;  bóng trăng êm.
                            Đóm lập lòe,  tha ma,  đồng quạnh quẽ.

            Không được đưa ngay vào  tuyển tập và khi đó thơ “một câu”
không phát triển thành phong trào sôi nổi. Tuy nhiên nhiều người đọc qua cũng giữ lại ấn tượng lâu dài. Người viết bài này, kẻ hậu sinh, được đọc thơ ThaoThao qua sách “Luyện Văn”(1952) của học giả Nguyễn Hiến Lê; đọc một đôi lần cũng nhớ được ít bài. Đã sáu mươi năm qua đi, bây giờ hồi tưởng lại và tìm hiểu lại:

            Thơ “một câu” của Thao Thao có điều gì đó gần gũi với thơ “Haiku” Nhật Bản, hay “Hai kư”Việt:
                          Ao xưa / Con ếch nhảy vào / Tiếng nước xao .
                                                   (Matsu Basho)
                          Tịch liêu / Thấm xuyên vào đá / Tiếng ve kêu .
                                                  (Matsu Basho)
                       Cánh sen chiều / nở bên ga xép / Một niềm quạnh hiu.
                                                 (Masaoka Shiki)

                       Quả mướp dài/ Con ong vụt đến/ Đâu người tình xưa
                         (TônThất Thọ - Giải nhất cuộc thi Thơ Haikư lần 3)

                         Lá môn non / Giọt sương đọng / Vầng trăng tí hon
                       (Trần Đức Việt – Giải nhất cuộc thi Thơ Haikư lần 4)

                             Xuân ấm áp /  Tròn đầy /  trăng mười sáu
                        ( Nguyễn Thị Kim – Ngày thơ Nguyên tiêu 2014)

                       Tiếng kinh Di Đà / Mẹ ngồi hóa đá / nhìn di ảnh con
                          (Lê Anh Tuấn – Ngày thơ Nguyên tiêu 2014)

                                                        ***
            Thơ haiku phản ánh tự nhiên hiện thực; ý tứ, dữ kiện, sự việc,  kế tiếp tự lập, liên hệ đa chiều; phần kết khép lại, gợi mở suy tư.  Bài thơ mang ý nghĩa sâu xa mà bao quát…  Thơ Haiku giản dị cô đọng, đậm chất thiên nhiên, đượm mầu thiền, tịch liêu tĩnh lặng, nhẹ nhàng bình yên...; và ý thơ mênh mang.

           Được đọc thơ “Một Câu” từ xa xưa; gần đây qua bầu bạn được biết chut ít về thơ cực ngắn Nhật – Việt; trong lòng nhiều mến mộ. Tự thấy mình không còn đủ điều kiện đi theo, đành tìm về với ‘thơ Vài Câu’ mà nhiều thi huynh đã biết, đã viết, đã giới thiệu, xuất bản,
phát hành.               (“Thơ BaCâu”,“Thơ BốnCâu”,...; !Phạm Sán!
Phạm Công Hội, Lý Viễn Giao, Hoàng Xuân Họa...)

           Có lẽ một phần thơ ngắn  này chưa được xếp “thể loại”, chưa hình thành luật lệ chặt chẽ; nghĩa là còn được ‘tự do’ phô diễn những ý tứ ít nhiều tản mạn. Điều đó chắc là có phần phù hợp với một số ‘người già’ mắt mờ, tai nặng; suy tư chậm chạp mà chưa chắc chỉn chu như chúng tôi. Thôi thì cũng đành chấp nhận.

                                                          ***
           Dù không bắt buộc phải theo lệ luật, một bài thơ ‘ngắn hay dài’  cũng vẫn có mục tiêu đề tài, có chủ đề mong được đổi trao với người.
          Khoảng đề rộng hẹp, sự tinh hay dở,   tư tưởng   sâu nông,...
phụ thuộc vào năng lực bẩm sinh (vốn sẵn tính trời), vào niềm đam mê học hỏi (kinh sử dùi mài), và chút chiu nào đó vào hoàn cảnh đường đời (phúc lộc phận người).
          Mỗi bài thơ cũng nên ít nhiều khởi thừa, trạng thuyết, luận kết tỏ mờ; mong được ‘gửi thưa’
           Thơ VÀI CÂU ... ý tứ đơn sơ, vần điệu ‘lơ thơ’... xin được
‘nhập môn’     ‘HY  VONG’ 

                                                                           PVNS

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Thông báo


          Tên gọi Bích Câu thi quán lấy cảm hứng từ huyền thoại Bích Câu kỳ ngộ . Truyện viết về cuộc tình của đôi trai gái Tú Uyên và Giáng Kiều . Ngày nay đền thờ hai con người huyền thoại ấy vẫn tọa lạc trên đường Cát Linh , Ba đình,  Hà Nội gọi là Bích Câu Đạo quán .
          Một nhóm người yêu thơ và làm thơ tổ chức quán thơ lấy tên Bích Câu Thi quán và họp mặt giao lưu buổi đầu tiên tại Đạo quán này vào ngày 28 tháng 2 năm 2008 .Từ bấy giờ , hằng tháng vẫn sinh hoạt đều đặn tại một địa điểm trên đường Cát Linh và đã thu hút được sự chú ý , ưu ái cùa nhiều thi nhân trong và ngoài nước .
          Đến nay , do xuất hiện những yếu tố mới , Thi quán có đôi chút thay đổi cho phù hợp . Đó là không tổ chức sinh hoạt hằng tháng nữa mà chỉ sinh hoạt trực tiếp vào một số ngày có ý nghĩa lớn trong năm , khi có nơi mời giao lưu và khi có một hội viên ở xa về Hà Nội có nhu cầu gặp gỡ . Địa điểm cũng tùy trường hợp mà định ra cho phù hợp . Ngày 28 hằng tháng trở thành ngày hội viên gửi bài về để đưa lên mạng lần lượt trong tháng đó . Bài gửi có thể là thơ , bình luận hay giới thiệu thơ . Địa chỉ gửi bài là : lyviengiao@gmail.com  . Trang đăng bài là : bichcautho.blogst.com
. Mọi thành viên giao lưu bằng cách ghi nhận xét sau mỗi bài đăng nhằm động viên , góp ý để tác giả trao đồi và nâng cao chất lượng thơ cho mình .
          Không chia ra hai loại hội viên như trước nữa ( Hà Nội và từ xa ) mà mọi người ở các tỉnh hay nước ngoài cùng gọi chung là “Hội viên BCTQ” . Với những hội viên cũ , khi nhận được thông tin này , làm ơn cho hồi âm . Để bảo đảm tính tế nhị , sự im lặng được coi là không tham gia nữa . Với các bạn mới , nếu chiếu cố sinh hoạt trong Thi quán , hãy gửi tin nhắn về địa chỉ nói trên với những thông tin cơ bản nhất để chúng tôi liên hệ cho thuận tiện .
          BCTQ chỉ giao lưu thơ về tình cảm giữa con người với nhau , với đất nước và thiên nhiên , Không là nơi bàn bạc chính trị . Với thành ý muốn nới rộng vòng tay , các thi nhân dành chút quan tâm cho những điều trình bày trên . Xin chân thành cảm ơn !
                                                                                   
                                                                                                      Thay mặt Thi quán
                                                                                                          Lý Viễn Giao



         

 


Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Nghe anh đọc thơ


                                                       Bùi Nguyt

Từ trong điện thoại cầm tay
Nghe thơ anh đọc mà say quá chừng!
Để lòng em cứ bâng khuâng
Dạt dào cảm xúc trào dâng sóng tình

Bao nhiêu nỗi nhớ hiện hình
Cả mùi hương cốm quê mình thoảng đưa
Tảo tần mẹ bán sớm trưa
Chao ôi! Giá buốt gió  mưa đong đầy
Đòn gánh tre rạn vai gầy
Gian lao vất vả tháng ngày xót xa!

Nhớ nhiều màu nắng quê ta
Khi nhìn tuyết phủ sương sa chốn  này
Ở quê nhà anh có hay
Đêm đêm em nhớ ngày ngày em mong

Tình anh là ngọn lửa hồng
Xua tan  giá lạnh đêm đông xứ người
Nhớ về anh nhớ quá thôi!
Ta là hai nửa cuộc đời của nhau!