Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017


                                                                                                    Lý Viễn Giao



Trong khuôn vườn nhỏ
Chú gà trống choai
Diễu võ dương oai

Chẳng chịu tập bay
Cả đời loay hoay
Bới tung bới tóe

Viết không nên chữ
Nói chẳng thành lời
Gieo quẻ dậy đời !

Sống lang thang bờ bụi
Chết vấn vít khói nhang
Trần trụi thiên đàng

Trong ngăn chuồng hẹp
Ủ giấc mơ tiên
Gọi mặt trời lên !

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Danh chính ngôn thuận




          Đã từ lâu thơ Haiku không còn quanh quất trong xứ sở Phù tang nữa mà đã đặt chân lên nhiều vùng miền trên toàn thế giới. Có lẽ đây là thể loại thơ có sức lan tỏa rộng rãi vào bậc nhất bởi những đặc thù của nó. Cùng bước chân di trú, nó cũng đã biến đổi nhiều theo cách nghĩ , cách nhìn và thói quen diễn đạt của từng nơi đất mới. Điều đó là tất yếu  bởi thơ là người, mà con người mỗi xứ có ngôn ngữ, cách suy tư và nền tảng văn hóa riêng biệt.
           Dù ở phương trời nào, khi làm thơ Haiku cũng phải giữ cái cốt cách của nó. Có thể đó là cốt cách nguyên thủy hay những đổi thay đã được mặc nhiên công nhận. Còn phần hồn mới là thứ được thổi vào một cách tùy biến. Chính vì lẽ đó mà thơ làm ra vẫn được định danh là thơ Haiku. Cũng giống như khi một bài thơ bảo đảm đủ thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt … và đúng niêm luật, vần đối sẽ được gọi là thơ Đường (Đường luật):

                           Gió bấc xô mây đọng cuối trời
                           Mưa luồn tán lá ngả nghiêng rơi
                           Cành cong ngõ trước run rung rẩy
                           Lá rộng vườn sau tốc tả tơi
                           Trà đượm hương xưa xui tiếng dạ
                           Thơ say vần cũ giục cơn đời
                           Có về đông trước cho theo với
                           Lượm mảnh nhân tình thả bóng chơi!                    (Lý Viễn Giao)
Hoặc thơ một dòng sáu một dòng tám chữ cứ thế nối tiếp nhau, gieo vần đúng luật thì là thơ lục bát :
                            Giọt rơi hơi bị trong veo
                            Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi
                            Chân mây hơi bị cuối trời
                            Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu!                             (Nguyễn Duy)
Thơ Đường hay thơ Lục bát không phù hợp với ngôn ngữ đa âm. Lục bát còn khó khăn với cả ngôn ngữ đơn âm nhưng không phân bằng trắc. Thơ Haiku , loại ngôn ngữ nào cũng làm được vì chỉ cần ngắn dưới mười bẩy âm tiết và có ba ngắt ý rõ ràng . Thơ Haiku được sáng tác ở nơi nào cũng đều gọi tên như nhau cả. Bởi đã là thể loại này ắt phải hội đủ các tiêu chí cần thiết của nó. Giống như đã là bánh Pi-ja, ở Việt Nam không thể làm như bánh rán hay bánh xèo được.
          Tác giả bài thơ là người nước nào chỉ quy định xuất xứ của bài thơ , không thể ấn định thể loại thơ. Bài thơ chỉ lưu hành trong nước dĩ nhiên chỉ cần ghi tác giả là đủ . Nhưng nếu thơ vượt biên giới , cần ghi thêm quốc gia. Thể loại thơ đã do chính nó khảng định không cần nêu tên. Khi ta đề tên quốc gia của tác giả ngay sau thể loại thơ , mặc nhiên ta đã khảng định một thể loại thơ mới rồi đó. Thơ Haiku Đức , thơ HaikuViệt…không phải là thơ Haiku nữa! Có người cho rằng các từ Đức, Việt…chỉ là phụ từ để cho hay bài thơ làm bằng ngôn ngữ ấy, ở xứ ấy. Thực ra không phải thế , những từ này khảng định một thực thể mới hoàn toàn . Có thể đến một lúc chúng ta xây dựng được một hệ thống tiêu chí mới cho một thể loại thơ mà ta gọi là Haiku Việt , điều đó sẽ dễ dàng chấp nhận như một lẽ đương nhiên .   
          Câu lạc bộ của chúng ta đã đôi lần đề cập đến một tên gọi chính thức hợp lý . Cũng đã có lúc khảng định mình là Câu lạc bộ thơ Haiku Hà Nội . Nhưng dường như việc thống nhất chưa thực sự chín nên có chuyện ngẫu biến trong sử dụng . Thiết nghĩ đã đến lúc cần mở rộng trao đổi một cách có lý luận khoa học để ghi chính danh của mình vào thẻ căn cước trong làng văn chương Việt .