Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Chuyện xưa kể lại



          Giặc phương Bắc rần rật kéo vào kinh thành Thăng Long. Quan và dân rủ nhau chạy loạn. Năm hôm trước khi mới nghe tin giặc còn cách kinh thành hai trăm dặm Hoàng Thượng và hoàng thân quốc thích đã lặng lẽ rời đến một nơi ẩn nấp an toàn.
Trần Tiết, gã bán thịt lợn. Nghe tin giặc sắp tràn tới, vợ gã giục gã:
-         Chàng muốn chết hay sao mà còn mổ lợn để bán, có lo soạn sửa mà chạy đi không?
Trần Tiết cười:
-         Hiền thê hãy đem các con về bên quê nội Phú Thọ đi, hy vọng với sự phù hộ của các Vua
-         Hùng nàng và các con sẽ bình an. Riêng ta, ta không đi đâu cả.
Khuyên nhủ mãi, chồng vẫn khăng khăng không chịu đi, vợ Tiết lắc đầu ngao ngán cùng con cái gạt lệ phân ly. Chiều đó, hai mươi vạn quân phương Bắc chiếm cứ kinh thành. Bấy giờ kinh thành chẳng khác gì ngôi mộ hoang lớn, không một bóng người, ngay cả gà chó cũng không có nửa con. Trần Tiết gánh thịt lợn dạo qua dạo lại trước cổng kinh thành rao:
-         Ai thịt lợn đây, ba mươi đồng một ký.
Tên tướng giặc ra lệnh cho quân lính gọi gã bán thịt lợn vào. Trần Tiết nghênh ngang đi giữa hàng vạn quân lính giặc, mặt không chút run sợ, vào đến nơi nhìn thấy tướng giặc đang ngồi chệm chễ trên ghế, Tiết hỏi:
     -  Ngài định mua thịt tôi chăng? Thịt tôi chỉ bán cho người dân Đại Việt, còn với người phương Bắc tôi không bán. Tướng giặc trố mắt nhìn Tiết bật cười:
     -   A ha tên này khá. Ba mươi năm ta tung hoành nam bắc, trải qua trăm ngàn trận đánh, san bằng hàng ngàn thành trì, đi đến đâu kẻ nào hễ nghe tên ta là sợ vỡ mật, đứng trước ta kẻ nào cũng phải uốn gối khom lưng, chỉ duy nhất nhà ngươi dám ăn nói xấc xược như thế.
Trần Tiết cười ha hả:
-         Ngài không phải phụ mẫu tôi, không phải đức vua của Đại Việt vì cớ gì tôi phải khom lưng
trước ngài? Ngài đem quân dày xéo non sông bờ cõi Đại Việt tôi hận không thể lột da uống máu của ngài hà cớ gì tôi phải sợ ngài?
Tướng giặc nghe những lời đó, bất giác mắt long sòng sọc, da mặt giần giật, đập mạnh tay xuống bàn, thét lớn:
     -    Hảo hảo, có chút chí khí. Ta rất thích những tên ngang tàng không sợ chết như ngươi. Rồi hắn dịu giọng. Nếu ngươi muốn có thể đầu quân cho ta, ta đảm bảo sẽ cho ngươi một chức vị xứng đáng trong quân của ta. Trần Tiết trợn trừng hai mắt nhìn thẳng vào mặt tướng giặc hỏi lớn:
     -   Thưa ngài, kẻ nhận giặc làm cha có đáng băm vằm chăng?
Tướng giặc đanh giọng:
-         Giết.
Trần Tiết tiếp:
-         Kẻ luồn trôn liếm gót ngoại bang, quay mặt với sự sống còn của dân tộc, hưởng vinh hoaphú quý trên xương máu đồng bào có đáng cho muôn ngựa phanh thây không?
Tướng giặc thét:
-         Chém.
Trần Tiết tiếp:
-         Bất cứ kẻ nào vì lợi ích bản thân mà phản bội dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang đều không xứng làm con người, đáng bị muôn dân nguyền rủa, trời không dung đất không tha. Thế thì tại sao ngài lại xúi tôi sa vào con đường tội lỗi ấy?
Tướng giặc lông mày dựng ngược cười khoái trá:
-         Thú vị, thú vị ha ha, không ngờ đất nước man di mọi rợ này còn có món sản vật lạ kỳ như nhà ngươi. Ta cứ tưởng bọn người Phương Nam tên nào tên nấy lá gan chỉ bé tý tẹo bằng cái móng tay của ta .
Trần Tiết lớn giọng bảo:
-         Xin ngài cho tôi mượn một thanh trủy thủ có được chăng?
Tướng giặc rút thanh trủy thủ bên hông trao cho Trần Tiết nói:
-         Đây là thanh trủy thủ trí bảo hoàng thượng ban tặng cho ta, chém sắt như chém bùn.
Trần Tiết đưa một tay cầm lấy, rút ra, ánh sáng từ ngọn trủy thủ làm Tiết lóa mắt, Tiết chậc lưỡi:
-         Đồ tốt, đồ tốt.
Tiết thở dài một cái, nhìn lên chính điện, nơi đặt ngai vàng của vua, bất giác sa lệ. Tiết nói trong mơ màng:
     -   Các ngài chỉ biết một mà không biết hai, người dân Đại Việt chúng tôi lá gan không hề nhỏ mà còn lớn hơn gấp nhiều lần lá gan người phương Bắc các ngài, chỉ có điều vua quan tham sống sợ chết, làm cho ý chí người dân cũng theo đó mà tiêu tán. Than ôi, quan thế ấy, vua thế ấy, non sông gấm vóc này còn chi, còn chi. Dứt lời Tiết quay trủy thủ đâm thẳng vào bụng. Tướng giặc a lên một tiếng, đánh rơi tách trà vừa cầm lên tay. Thanh trủy thủ sắc lẹm, khứa một đường trên bụng Tiết.
Tiết đưa tay còn lại thọc vào bụng moi từng phần nội tạng ra ngoài, thều thào nói:
     -  Đấy ngài thấy chưa, ruột chúng tôi cũng có khác gì của các ngài đều là con người cả thôi…Móc đến lá gan Tiết đã sắp tàn hơi, gượng thốt lên:
     -   Lá gan người Đại Việt là thế này đây thưa ngài…ngài hãy nhìn cho kỹ và nhớ lấy…Một ngàn năm bị các ngài đô hộ, dân tộc này vẫn quật cường đứng dậy đạp lên đầu các ngài…Bây giờ các ngài chiếm được Đại Việt nhưng rồi chúng tôi sẽ dành lại…
Dứt lời Tiết gục xuống.
Tướng giặc vào sinh ra tử bao phen chưa lần nào run sợ nhưng hôm nay trước cảnh tình ấy, chả rét mà run. Hắn quỳ xuống vái xác Trần Tiết mà rằng:
-         Ta lạy ngươi không phải vì ta sợ ngươi mà ta đau tiếc cho một tuấn kiệt không gặp thời. Nếu người phương nam ai cũng như ngươi thì chúng ta làm sao lấy được Đại Việt một cách đơn giản thế này.
… Bên ngoài thành Thăng Long, sáng hôm sau mọc lên một ngôi mộ, trên bia ghi hàng chữ “ Kỳ Nhân Đại Việt”. Trần Tiết đã được tên tướng giặc lệnh cho người chôn cất tử tế. Hơn mười năm sau giặc phương Bắc một lần nữa bị đuổi ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Thời gian trôi rêu mờ sương phủ nấm mộ của Trần Tiết chìm vào quên lãng….







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét