Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Tôi - Đứa bé không lạc lõng



                                                                           Nguyn Thánh Ngã
                  
 Tôi làm thơ từ rất sớm. "Sớm", nghĩa là lúc chưa hề ý thức. Làm thơ mà không nghĩ mình làm thơ, chỉ là những xúc cảm nhỏ nhoi. Tuổi học trò là vậy. Quẩn quanh. Nhưng cũng nhờ cái quanh quẩn tôi đâm chán mình. Tự chán là đã ý thức.
Tôi gặp thơ Haiku.
Tò mò.
Đơn thương độc mã đi tìm. Và mê đắm. Tôi ra sức rèn luyện Haiku và nhào lộn trong triều dâng của nó. Rồi nhận ra tốn công vô ích. Bởi nó như những công án thiền, chỉ là tiếng thét giữa miền cây cỏ hoang sơ. Không ai đón nhận. Rừng Lâm Đồng cỏ hoa là thế, mà tôi quạnh hiu. Một mình tiềm ẩn giữa Vương quốc hoa. Xưa Nguyễn Công Trứ xin làm cây thông. Nay tôi như đấu sĩ với chiếc gươm Haiku, chiến đấu với "cối xay gió" giữa rừng thông vi vút, nhận ra tính đa âm của lá thông kim; chiến đấu với đóa hoa dại bên rừng mới nhận ra làn hương ủ kín giữa đại ngàn vv...Bừng một hôm, có kẻ trộm! Không trộm hoa vì tham lợi, mà trộm cái đẹp - một tình yêu vô cùng lãng mạn:
                      Hoa hồng
                      Giọt máu kẻ trộm
                      Đầy trăng
                                  (N.T.N)
Có ai thấy đâu. Tôi thấy một tình yêu dễ thương đầy thuyết phục. Nhờ giọt máu chan ánh trăng, mà tình yêu vượt qua bức tường lạnh căm của đêm đông Đà Lạt. Nhưng thơ Haiku không nhờ tôi đem "ở trọ" trong khu vườn cách ngăn, đầy hoa của Đà Lạt, dù Đà Lạt có đủ "kỳ hoa dị thảo" đi nữa, cũng cần mở toang cánh cửa phạm trù. Tôi nghĩ, mình sinh ra trong chiếc nôi lục bát, chưa đi khỏi lũy tre làng, sao biết được thế giới muôn màu:
                      Nôi lục bát
                      Kĩu kịt lũy tre làng
                      Đứa bé chào haiku 
                                   (N.T.N)
   Quả thật, tôi như đứa bé hớn hở đón chào một người bạn mới lạ. Sâu kín. Tự nhiên hợp với bản tính "lặng" của mình. Ấy cũng là lúc "đột vỡ" ra mọi thứ. Cảm giác mình là đứa trẻ vô tư lự, hồn nhiên "chơi đùa" với Lão thiền sư. Thơ Haiku vừa là đứa trẻ, vừa là một thiền sư, chỉ có tâm hồn vô phân biệt là gặp nhau. Từ đó, tôi nắm tay haiku đi suốt con đường này. Còn dài lắm, chưa thể nói gì được. Nhưng có một làn hương kỳ diệu, thoang thoảng quanh đây, khiến tôi bật ngộ: thơ chính là cuộc sống!
   Cuộc sống muôn màu. Tôi chọn màu nâu. Màu của đất đai, bùn thấp, màu của ngọn đồi hoang trọc:
                      Trên ngọn đồi ấy
                      Ta ôm vào lòng
                      Cỏ dại mọc hoang
                                     (N.T.N)
Không có hoa thơm, trái ngọt, mà chỉ có sự vươn lên của cỏ dại sau hoang tàn đổ nát của loài cây. Cỏ dại là chiếc áo xanh, nhờ sương nắng, gió mưa hay làn da xanh thẳm của bầu trời cũng vậy:
                      Nắng
                      Lột da trời xanh
                      Vá đất
                               (N.T.N)
Ôi con người tàn phá những cánh rừng, rừng đã cạn kiệt. Chỉ còn có cách đem tình thương từ trời vá lành những vết thương lở loét của đất đai mà thôi. Thơ Haiku ở Cao nguyên trở nên tiếng kêu hay tiếng khóc:
                      Hai cây thông
                      Ôm nhau
                      Khóc trước lưỡi cưa
                                (N.T.N)
Chỉ vậy thôi, thơ Haiku đã đi vào cuộc sống. Nó tụng ca giọt nước mắt vượt lên trên nỗi thống khoái thường tình, để thấm vào đất đai, thấu thị vũ trụ:
                      Trên cành cây cháy sém
                      Giọt sương đen
                      Khóc rừng
                                 (N.T.N)
   Giọt sương hay nước mắt? Và giọt "sương-nước-mắt" ấy đã bị ám khói, cháy sém trên cành cây, như nỗi nhớ trên cánh tay người mẹ nhân từ. Thơ là Thượng đế sáng tạo, thơ Haiku có thể đem nỗi buồn cháy sém neo giữa lưng trời; neo trước mặt con người ở chế độ tiên tri và cảnh báo. Giản dị vậy đó mà sâu thẳm ngẫm ngợi, tương lai chúng ta tùy thuộc vào đây, vào luật nhân quả. Tuy nhiên, thơ Haiku luôn reo ca với những cái bình thường nhất, sau cái đại sự. Đó là ý thức trở về...
   Và tôi trở về với đứa bé, tâm hồn luôn trẻ dại:
                      Đứa bé
                      Cúng Phật
                      Cánh hoa bên rào
                                  (N.T.N)

   Đứa bé "tôi", muôn đời vẫn ngây thơ trước đấng Từ Bi. Hôm nay thơ Haiku Nhật đã hòa âm cùng thế giới, và lưu chảy trong dòng haiku Việt. Tôi đứa trẻ Việt không còn lạc lõng giữa rừng hoang, mà đã có "cánh hoa bên rào" dâng hiến... Bởi ngoài kia mùa xuân đang về, tín hiệu của đất trời rung chuyển:
                      Hoa gạo đỏ
                      Sấm ầm ì
                      Lúa trổ bông
                                    (Cao Ngọc Thắng)
   Vâng, tôi bắt được tín hiệu mùa xuân của nhà thơ Cao Ngọc Thắng khi anh vào Nha Trang quảng bá Haiku Việt. Tuy chưa được cái may mắn gặp anh, nhưng anh là cầu nối đầu tiên, cho tôi biết có một dòng thơ lạ đang chuyển động trên đất Bắc. Sấm chớp tạo khí ni-tơ bón cho cánh đồng thơ Việt trổ bông. Và người có công đem tiếng đàn Kôtô(*) hòa âm cùng tiếng võng ru điệu lục bát quê nhà, chính là nhà thơ Đinh Nhật Hạnh:
                     Đàn Kôtô dìu dặt
                     nâng ta về
                     võng Mẹ ngày xưa
                                     (Đinh Nhật Hạnh)
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh - người đã "ngộ" ra, từ suối nguồn lục bát của dân tộc đã có sẵn tinh chất Haiku. Ví như ông đã tìm trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có biết bao câu lục, câu bát có thể hóa thành một bài Haiku:" Ngày xuân/ Con én/ Đưa thoi" vv... hay một cách kỳ lạ. Biết tin ông vào Đà Lạt, tôi đã tìm gặp và nhận ra bậc tiền bối mê đắm cách "hòa điệu" Việt - Nhật. Nhất là ông đã dày công tìm tòi, tra cứu trong kho tàng Ca dao-Tục ngữ những chất liệu có thể làm cơ sở lý luận về Cấu trúc và Vần điệu cho thơ Haiku Việt và trong tinh thần Thơ Lục Bát vạn năng hồn cốt cho tâm hồn Haiku Việt. Tuy phát kiến của ông còn đang được tiếp tuc hoàn thịên, nhưng quả thật, câu chuyện thơ đã luôn cuốn hút tôi như một gọi mời đầy trí tuệ. Và dĩ nhiên, với phong cách đó tôi kính cẩn tìm về. Xin mượn cách viết của nhà thơ Lý Viễn Giao để diễn đạt:
                    Về thăm mẹ
                    Bước nhẹ
                    Cỏ thơm
                                     (Lý Viễn Giao)
Nhà thơ Lý Viễn Giao tôi cũng chưa có duyên được gặp gỡ, nhưng tôi luôn trân  quý thơ ông, bởi cách viết độc đáo, dịu nhẹ đi vào lòng người đọc lúc nào không hay. Tôi cho rằng câu chữ của ông có "thần" là vậy; nó đã dìu bước tôi như đứa bé hồn nhiên với tấm lòng thơm thảo, kính cẩn bước về ngôi đền thơ lộng lẫy...
   Thật vậy, tôi đang "bước nhẹ" với tâm hồn của một đứa trẻ không còn lạc lõng, mà đã có bao cánh tay vẫy gọi, thân gần...


                                    Đà Lạt tháng 8/2016
                                        N.T.N  


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét