Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Cho một mùa vu vơ

                                                                                                       Hoàng Kim Hương



Đừng giận em
Khi bài thơ cho anh mắc lại mùa thu
Heo may ngập ngừng ngã rẽ
Biết bao điều bỗng trở thành ước lệ
Có ước lệ nào đong đủ buồn vui ?

Những cơn mưa nối đất với trời
Nắng thảng thốt lẩn tàng cây dấu mặt
Lá ủ vàng tin yêu rất thật
Thả giấc mơ sau cơn mưa
Đâu phải em đã quá hững hờ
Nỗi nhớ bao lần bật khóc
Dạ lan đổ hương đêm buồn ngằn ngặt
Ngang qua cơn đau những ảo ảnh dịu dàng

Điều gì hóa thân vào cơn gió lang thang
Để chiều không anh nghẹn từng lối nhớ
Với mùa thu em ngàn lần mắc nợ
Nợ anh một thở ban đầu
Đừng giận em
Ánh sáng que diêm dù lóe lên cũng đủ nhiệm mầu
Những rủ rỉ tâm tình đi vào cổ tích
Thời gian chuốt yêu thương thành ngọc bích
Tuột tay cầm , rưng đáy mắt vu vơ…

Có một mùa mắc mãi giữa trang thơ .

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Cân bằng tuyệt vời



Một giáo sư kinh tế ở một trường Đại học cho biết ông chưa từng đánh trượt sinh viên nào nhưng đã từng đánh trượt cả một lớp. Lớp đó kiên quyết cho rằng một xã hội có hình thái tổ chức hoàn hảo là một xã hội không ai giàu và cũng không ai nghèo và đó là một cách cân bằng tuyệt vời. 

Thế là vị giáo sư nói: “Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm về điều đó. Tất cả các điểm sẽ được tổng hợp lại và chia đều ra, mọi người sẽ nhận được điểm như nhau, vì thế không ai bị trượt và cũng không ai được A cả.”

Sau bài kiểm tra đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên chăm rất buồn, còn những sinh viên lười rất mừng.

Qua bài kiểm tra thứ hai, những sinh viên lười thậm chí còn lười hơn, còn những sinh viên chăm thì quyết định rằng họ cũng chỉ nên học ít thôi. Điểm trung bình cho bài lần hai là D! Không ai vui cả.

Đến bài thứ ba, điểm trung bình là F. Mức điểm không hề tăng lên, còn các cuộc cãi vã, buộc tội, nêu tên nổ ra, mọi người đều khó chịu và không ai muốn học để người khác có lợi.

Đến bài cuối cùng, tất cả đều trượt, và ai cũng ngỡ ngàng. Giáo sư đã nói với họ rằng: Thông qua kết quả những bài kiểm tra thì các bạn có thể dễ dàng thấy được rằng, kiểu gì thì kiểu xã hội mà các bạn đang mong muốn cũng khó thành hiện thực vì dù ý tưởng rất hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi chẳng ai còn động lực để làm việc nữa. Không gì đơn giản hơn thế !

Cuối cùng ông tổng kết:

“Bạn không thể làm người nghèo giàu lên bằng cách khiến người giàu nghèo đi. Người không phải làm gì vẫn được hưởng trong khi người phải làm thì không được hưởng gì. Chính phủ không thể cho ai cái gì mà không lấy thứ đó từ người khác. Khi một nửa nhân dân thấy rằng họ không cần làm gì vì sẽ có nửa khác làm cho, còn nửa còn lại thì nghĩ họ làm cũng chẳng ích gì vì sẽ bị kẻ khác đoạt mất, đó chính là khởi đầu của kết thúc cho mọi xã hội !"

"Không ai có thể gia tăng sự giàu có bằng cách chia đều nó ra.”

Một xã hội công bằng mang tính nhân bản là gì ? 
    
Không nên khó chịu về việc chênh lệch giàu nghèo của một xã hội nào đó. Mà hãy hỏi xem ở xã hội đó người nghèo có đủ sống không ? Chất lượng cuộc sống của người nghèo có thực thụ là 1 cuộc sống dành cho con người không ? Đau bệnh có được chữa trị tận tình không ? 

Và tiếp tục hỏi xem những người giàu cái giàu của họ có xứng đáng không ? Họ giàu bằng công sức - đầu óc của họ hay sự mánh mung, gian lận hay bất chính, phi pháp, ô dù ?

Ở xã hội đó cơ hội đỗ đạt, cơ hội thăng tiến có công bằng với tất cả không ? Hay chỉ thiên vị cho riêng nhóm người nào đó và con cháu của những ai đó. Và quan trọng nhất, là luật pháp và chính sách ưu đãi của nhà nước phải công bằng với tất cả, không phân biệt giàu nghèo, nghề nghiệp, địa vị... trước pháp luật ai cũng bình đẳng như ai.



                     
                               
                                                  


 


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Tôi - Đứa bé không lạc lõng



                                                                           Nguyn Thánh Ngã
                  
 Tôi làm thơ từ rất sớm. "Sớm", nghĩa là lúc chưa hề ý thức. Làm thơ mà không nghĩ mình làm thơ, chỉ là những xúc cảm nhỏ nhoi. Tuổi học trò là vậy. Quẩn quanh. Nhưng cũng nhờ cái quanh quẩn tôi đâm chán mình. Tự chán là đã ý thức.
Tôi gặp thơ Haiku.
Tò mò.
Đơn thương độc mã đi tìm. Và mê đắm. Tôi ra sức rèn luyện Haiku và nhào lộn trong triều dâng của nó. Rồi nhận ra tốn công vô ích. Bởi nó như những công án thiền, chỉ là tiếng thét giữa miền cây cỏ hoang sơ. Không ai đón nhận. Rừng Lâm Đồng cỏ hoa là thế, mà tôi quạnh hiu. Một mình tiềm ẩn giữa Vương quốc hoa. Xưa Nguyễn Công Trứ xin làm cây thông. Nay tôi như đấu sĩ với chiếc gươm Haiku, chiến đấu với "cối xay gió" giữa rừng thông vi vút, nhận ra tính đa âm của lá thông kim; chiến đấu với đóa hoa dại bên rừng mới nhận ra làn hương ủ kín giữa đại ngàn vv...Bừng một hôm, có kẻ trộm! Không trộm hoa vì tham lợi, mà trộm cái đẹp - một tình yêu vô cùng lãng mạn:
                      Hoa hồng
                      Giọt máu kẻ trộm
                      Đầy trăng
                                  (N.T.N)
Có ai thấy đâu. Tôi thấy một tình yêu dễ thương đầy thuyết phục. Nhờ giọt máu chan ánh trăng, mà tình yêu vượt qua bức tường lạnh căm của đêm đông Đà Lạt. Nhưng thơ Haiku không nhờ tôi đem "ở trọ" trong khu vườn cách ngăn, đầy hoa của Đà Lạt, dù Đà Lạt có đủ "kỳ hoa dị thảo" đi nữa, cũng cần mở toang cánh cửa phạm trù. Tôi nghĩ, mình sinh ra trong chiếc nôi lục bát, chưa đi khỏi lũy tre làng, sao biết được thế giới muôn màu:
                      Nôi lục bát
                      Kĩu kịt lũy tre làng
                      Đứa bé chào haiku 
                                   (N.T.N)
   Quả thật, tôi như đứa bé hớn hở đón chào một người bạn mới lạ. Sâu kín. Tự nhiên hợp với bản tính "lặng" của mình. Ấy cũng là lúc "đột vỡ" ra mọi thứ. Cảm giác mình là đứa trẻ vô tư lự, hồn nhiên "chơi đùa" với Lão thiền sư. Thơ Haiku vừa là đứa trẻ, vừa là một thiền sư, chỉ có tâm hồn vô phân biệt là gặp nhau. Từ đó, tôi nắm tay haiku đi suốt con đường này. Còn dài lắm, chưa thể nói gì được. Nhưng có một làn hương kỳ diệu, thoang thoảng quanh đây, khiến tôi bật ngộ: thơ chính là cuộc sống!
   Cuộc sống muôn màu. Tôi chọn màu nâu. Màu của đất đai, bùn thấp, màu của ngọn đồi hoang trọc:
                      Trên ngọn đồi ấy
                      Ta ôm vào lòng
                      Cỏ dại mọc hoang
                                     (N.T.N)
Không có hoa thơm, trái ngọt, mà chỉ có sự vươn lên của cỏ dại sau hoang tàn đổ nát của loài cây. Cỏ dại là chiếc áo xanh, nhờ sương nắng, gió mưa hay làn da xanh thẳm của bầu trời cũng vậy:
                      Nắng
                      Lột da trời xanh
                      Vá đất
                               (N.T.N)
Ôi con người tàn phá những cánh rừng, rừng đã cạn kiệt. Chỉ còn có cách đem tình thương từ trời vá lành những vết thương lở loét của đất đai mà thôi. Thơ Haiku ở Cao nguyên trở nên tiếng kêu hay tiếng khóc:
                      Hai cây thông
                      Ôm nhau
                      Khóc trước lưỡi cưa
                                (N.T.N)
Chỉ vậy thôi, thơ Haiku đã đi vào cuộc sống. Nó tụng ca giọt nước mắt vượt lên trên nỗi thống khoái thường tình, để thấm vào đất đai, thấu thị vũ trụ:
                      Trên cành cây cháy sém
                      Giọt sương đen
                      Khóc rừng
                                 (N.T.N)
   Giọt sương hay nước mắt? Và giọt "sương-nước-mắt" ấy đã bị ám khói, cháy sém trên cành cây, như nỗi nhớ trên cánh tay người mẹ nhân từ. Thơ là Thượng đế sáng tạo, thơ Haiku có thể đem nỗi buồn cháy sém neo giữa lưng trời; neo trước mặt con người ở chế độ tiên tri và cảnh báo. Giản dị vậy đó mà sâu thẳm ngẫm ngợi, tương lai chúng ta tùy thuộc vào đây, vào luật nhân quả. Tuy nhiên, thơ Haiku luôn reo ca với những cái bình thường nhất, sau cái đại sự. Đó là ý thức trở về...
   Và tôi trở về với đứa bé, tâm hồn luôn trẻ dại:
                      Đứa bé
                      Cúng Phật
                      Cánh hoa bên rào
                                  (N.T.N)

   Đứa bé "tôi", muôn đời vẫn ngây thơ trước đấng Từ Bi. Hôm nay thơ Haiku Nhật đã hòa âm cùng thế giới, và lưu chảy trong dòng haiku Việt. Tôi đứa trẻ Việt không còn lạc lõng giữa rừng hoang, mà đã có "cánh hoa bên rào" dâng hiến... Bởi ngoài kia mùa xuân đang về, tín hiệu của đất trời rung chuyển:
                      Hoa gạo đỏ
                      Sấm ầm ì
                      Lúa trổ bông
                                    (Cao Ngọc Thắng)
   Vâng, tôi bắt được tín hiệu mùa xuân của nhà thơ Cao Ngọc Thắng khi anh vào Nha Trang quảng bá Haiku Việt. Tuy chưa được cái may mắn gặp anh, nhưng anh là cầu nối đầu tiên, cho tôi biết có một dòng thơ lạ đang chuyển động trên đất Bắc. Sấm chớp tạo khí ni-tơ bón cho cánh đồng thơ Việt trổ bông. Và người có công đem tiếng đàn Kôtô(*) hòa âm cùng tiếng võng ru điệu lục bát quê nhà, chính là nhà thơ Đinh Nhật Hạnh:
                     Đàn Kôtô dìu dặt
                     nâng ta về
                     võng Mẹ ngày xưa
                                     (Đinh Nhật Hạnh)
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh - người đã "ngộ" ra, từ suối nguồn lục bát của dân tộc đã có sẵn tinh chất Haiku. Ví như ông đã tìm trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có biết bao câu lục, câu bát có thể hóa thành một bài Haiku:" Ngày xuân/ Con én/ Đưa thoi" vv... hay một cách kỳ lạ. Biết tin ông vào Đà Lạt, tôi đã tìm gặp và nhận ra bậc tiền bối mê đắm cách "hòa điệu" Việt - Nhật. Nhất là ông đã dày công tìm tòi, tra cứu trong kho tàng Ca dao-Tục ngữ những chất liệu có thể làm cơ sở lý luận về Cấu trúc và Vần điệu cho thơ Haiku Việt và trong tinh thần Thơ Lục Bát vạn năng hồn cốt cho tâm hồn Haiku Việt. Tuy phát kiến của ông còn đang được tiếp tuc hoàn thịên, nhưng quả thật, câu chuyện thơ đã luôn cuốn hút tôi như một gọi mời đầy trí tuệ. Và dĩ nhiên, với phong cách đó tôi kính cẩn tìm về. Xin mượn cách viết của nhà thơ Lý Viễn Giao để diễn đạt:
                    Về thăm mẹ
                    Bước nhẹ
                    Cỏ thơm
                                     (Lý Viễn Giao)
Nhà thơ Lý Viễn Giao tôi cũng chưa có duyên được gặp gỡ, nhưng tôi luôn trân  quý thơ ông, bởi cách viết độc đáo, dịu nhẹ đi vào lòng người đọc lúc nào không hay. Tôi cho rằng câu chữ của ông có "thần" là vậy; nó đã dìu bước tôi như đứa bé hồn nhiên với tấm lòng thơm thảo, kính cẩn bước về ngôi đền thơ lộng lẫy...
   Thật vậy, tôi đang "bước nhẹ" với tâm hồn của một đứa trẻ không còn lạc lõng, mà đã có bao cánh tay vẫy gọi, thân gần...


                                    Đà Lạt tháng 8/2016
                                        N.T.N  


 


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Trà


"Sáng nay hoa cúc nở
Thu đến tự bao giờ
Cánh bướm về trước ngõ
Nắng hồng nhuộm trang thơ.
Nhịp nhàng đôi tay nhỏ
Đun ấm nước pha trà
Hương ngạt ngào cơn gió
Lời chuông thanh thản qua".

                             Đông Tùng


Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Về bài thơ "Hai sắc hoa Ti gôn"



         


             ( Một chuyện tình có thật tại Hà Nội vào thời 1940 còn Pháp thuộc.)


          Nhà văn Thanh Châu ( ký giả tuần báo “ Tiểu thuyết Thứ Bẩy” ) có người yêu là cô Trần Thị Vân Chung . Hai người thề non hẹn biển , tình cảm mặn nồng. Lúc đó một luật sư trẻ người Việt , vừa tốt nghiệp luật từ Pháp về Hà Nội ( con Tổng đốc Thanh Hóa ) thấy cô Vân Chung quá xinh đẹp bèn nhờ người mai mối. Dĩ nhiên gia đình đàng gái thấy chàng luật sư tương lai sáng hơn chàng văn sĩ nghèo Thanh Châu , nên nhận lời cho cưới. Đau khổ khi người yêu đi lấy chồng , Thanh Châu viết một truyện ngắn mang tên “ Hoa ti gôn” đăng trong tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy.
          Chừng ba tuần sau , tòa soạn tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy nhận được liên tiếp ba bài thơ . Bài thơ thứ nhất mang tên “ Hai Sắc Hoa Ti Gôn” , bài thơ thứ nhì mang tên “ Bài Thơ Thứ Nhất” và bài thơ thứ ba mang tên “ Bài Thơ Cuối Cùng” .
Tác giả ba bài thơ chỉ ký tên là TTKH rồi bặt tin tứ đó. Bài thơ “ Hai sắc hoa Ti Gôn” của TTKH quá hay , chấn động cả Hà Nội. Người ta dịch bài thơ này ra Pháp ngữ mang tên “ Deux Couleurs de Antigone Fleur đăng lên báo Pháp , cũng làm chấn động thanh niên Paris thời ấy. Nhất là đám sinh viên Việt du học tại Pháp .


Thế là tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy nhận hàng trăm bài thơ của nhiều độc giả bốn phương gửi đến mong được đăng tải trên báo. Mọi người đều thắc mắc tác giả TT KH là ai . Nhiều nhà văn thời ấy đoán mò mong TT KH xuất đầu lộ diện. Ngay cả sự treo giải thưởng bài thơ được coi là hay nhất đó của tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy mà tác giả vẫn bặt tâm tín.
          Antigone Flower tên khoa học là “ Antigonon Leptopus ( danh từ bình dân là “ Coral Vine “ ) , nguồn gốc nguyên thủy của loài hoa dại này từ vùng Địa Trung Hải ( Mediterranean Sea , nơi hoa mọc nhiều nhất là xứ Hy Lạp Greek ). Hoa Antigone được người Pháp nhập vào trồng tại các biệt thự trong khu vực Pháp kiều ( dân Việt gọi là Phố Tây ) tại Việt Nam và tại Thượng Hải ( vùng tô giới của Pháp , Ý và Anh tại Trung Hoa ) Dân Việt gọi là hoa Nho, còn người Trung Hoa gọi là “ Hoa Hiếu Nữ.Nếu trồng bờ dậu thì hoa che kín hàng rào. Kỳ ra hoa nhìn xa rất đẹp với hai màu trắng và hồng.Thật sự loài hoa Antigone chỉ có một , khi mới nở thì màu trắng , sau đó chuyển dần sang màu hồng. Tác giả TTKH viết bài thơ “ Hai Sắc Hoa Ti gôn vì cảm động về mối tình nói trên . Xin đăng  lại bài thơ tình này để cùng nhau chia sẻ .

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: "Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi".

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy".

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?